4 tháng trước
Đối Phó Với Việc Bị Từ Chối Sẽ Dễ Dàng Hơn Nếu Ta Biết Thay Đổi Góc Nhìn
327

3721
Lượt xem
352
Lượt chia sẻ
65
Lượt bình luận

"Bạn giỏi thật. Nhưng…"

Đây chắc hẳn là câu chối từ quen thuộc nhất mà ta nghe hết lần này đến lần khác. Mỗi khi ta nghe từ "nhưng", ta biết rằng kết quả sau đó sẽ khiến ta thất vọng.

Có quá nhiều tình huống để chúng ta phải nhận lấy lời chối từ: khi bạn mời crush đi chơi, hay khi bạn nộp hồ sơ mong được nhận vào làm công việc bạn mơ ước, hoặc chỉ đơn giản là lúc bạn hỏi bạn bè nếu họ muốn cùng trải qua những ngày nghỉ lễ cùng bạn.

Một câu trả lời đơn giản gồm một từ, năm kí tự, "Không", đã đủ để ta phải băn khoăn. Liệu mình có làm gì sai? Có phải do mình không đủ giỏi? Đôi khi, năm chữ cái đầy quyền năng này có thể khiến chúng ta chịu tổn thương.

Bị từ chối đúng thật là một cảm giác kinh khủng. Nhưng điều này chắc chắn sẽ thường xuyên xảy ra với mỗi người. Vì vậy, chúng ta sẽ có cơ hội để học cách đương đầu với tình huống này.

Chúng ta thấy buồn vì ta không thực sự biết lời từ chối đó có ý nghĩa gì

Hãy nhớ lại lần cuối bạn nhận phải câu từ chối. Bạn đã phản ứng thế nào?

Phản ứng đầu tiên sau khi bị chối từ thường thấy nhất là buồn bực và chán nản. Người ta có xu hướng nghĩ lý do mình bị từ chối mang tính cá nhân, và tự nghĩ là mình không đủ giỏi. Từ đó, nỗi nghi ngờ bản thân tăng cao, theo sau là sự tự tin suy giảm.

Như vậy thì chẳng giúp ích gì cho chúng ta trong việc lấy lại tinh thần và bước tới trước, cũng như chứng minh rõ rằng chúng ta chẳng hiểu gì về ý nghĩa thực sự của việc bị từ chối.

Sự từ chối có thể là do không phù hợp với mong muốn hay tiêu chí

Có thể bạn không có những điều hợp với yêu cầu, hoặc có niềm tin, tính cách không thích hợp với người bạn hẹn hay công việc mơ ước. Một chàng trai hướng nội có khả năng sẽ bị cô gái hướng ngoại từ chối nếu cô ấy tìm kiếm người yêu hợp với tính cách cô ấy. Hoặc khi một chuyên gia về mạng xã hội không nhận được việc ở nhà báo in truyền thống. Chỉ đơn giản là vì bạn không có cùng chí hướng với họ.

Việc từ chối ai đó cũng có thể do thiếu đi sự thấu hiểu

Cần có một thời gian để thực sự biết về một người. Nhưng trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng chỉ có một ít thời gian để tìm hiểu bạn. Làm sao bạn có thể hiểu một ai đó trong vòng 30 phút? Vì vậy mà họ chỉ có thể nhận biết bạn có phải ứng viên sáng giá không khi bạn tạo ra hình ảnh bản thân rõ rệt nhất. Nếu bạn quá lo lắng hay trở nên thiếu tự nhiên, bạn không thể thể hiện được giá trị bản thân. Vì vậy, đôi khi họ không từ chối con người thật của bạn, mà từ chối hình ảnh bạn thể hiện ra bên ngoài khi đang chịu áp lực.

Sự từ chối không chỉ vì bạn, mà còn vì người đưa ra lời nói đó

Một cuộc phỏng vấn không phải là kì thi. Có thể bạn bị từ chối là vì bạn không đứng đầu danh sách những người "đậu". Hoặc có khi bạn lại quá giỏi để họ nhận bạn vào làm việc. Nhà tuyển dụng, hay bạn hẹn của bạn cảm thấy lo lắng khi nhận lời bạn. Một công ty nhỏ sẽ không muốn thuê người có bằng tiến sĩ làm ở vị trí tiếp tân. Bạn hẹn của bạn có thể thấy họ không xứng đáng với bạn. Sự từ chối không phải lúc nào cũng do bạn, mà còn ở người nói ra lời nói này.

Lời từ chối có thể mang theo ẩn ý là một lời chúc tốt lành

Những người không được nhận lời không phải vì họ không đủ tốt để đạt được yêu cầu. Vấn đề nằm ở sự phù hợp. Mỗi khi bị từ chối, bạn cần hiểu rằng công việc ấy, hay người bạn hẹn, hay bất cứ điều bạn mong muốn không thực sự phù hợp với bạn. Nhờ vậy bạn có thể sàng lọc những gì không thích hợp cho mình. Và những lựa chọn bạn chưa bao giờ xem xét không chừng lại phù hợp với ước muốn và sở thích của bạn. Bị từ chối là cách để bạn tìm được điều gì thực sự dành cho mình.

Khi ta nhận rằng có quá nhiều lý do, nhiều khả năng mình sẽ nhận lại lời từ chối, ta sẽ không mang cảm giác mọi thứ đều do ta. Tuy nhiên, ta vẫn phiền lòng, và cần phải thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực lẩn quẩn ấy. Những gì bạn cần làm là:

Đánh lạc hướng sự chú ý của bạn ra khỏi kí ức về việc bị chối từ

Bạn không thể thực sự hạnh phúc khi bị từ chối. Vì vậy bước đầu tiên là giải quyết những cảm xúc ngay lúc ấy. Cảm giác mệt mỏi bạn có thực sự khủng khiếp, và như mọi lần thất vọng trước, bạn hãy cố cho bản thân thời gian bình tĩnh lại. Cố làm xao nhãng mình bằng cách làm những gì bạn thích, hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi: đi dạo, ngủ một giấc, hoặc ăn một bữa thật ngon miệng. Những điều này giúp bạn hồi phục năng lượng cho cả cơ thể và tâm trí.

Nhìn nhận sự từ chối bằng góc nhìn khác

Thời gian bình tĩnh lại khiến tâm trí bạn trở nên rõ ràng và bạn sẽ nhìn nhận mọi việc khách quan hơn. Và giờ, đến lúc để bạn xem xét lại lời từ chối mình nhận được. Đừng tập trung vào sự thật là bạn bị từ chối, thay vào đó, hãy nhìn bằng góc nhìn khác. Nếu bạn hỏi ai đó đi hẹn hò cùng bạn và họ nói không, đừng nói "anh ấy/cô ấy từ chối tôi rồi", hãy nói là, "anh ấy/cô ấy nói không". Nếu bạn ứng tuyển vào một vị trí và không được nhận, hãy nói rằng "tôi không nhận được công việc", thay vì nói rằng, "họ từ chối đơn ứng tuyển của tôi". Tránh dùng từ "từ chối", đó là điểm mấu chốt đấy. Như vậy bạn đang nhìn nhận việc bị từ chối không phải là điều gì đó thuộc về cá nhân.

Học hỏi từ việc bị từ chối

Bị từ chối giúp ích trong việc giúp bạn xác định được điều gì phù hợp hơn với bạn. Khi bị chối từ, khả năng cao là do bạn không thực sự hợp với điều bạn muốn. Lúc này bạn bắt đầu xem xét đến những lựa chọn thay thế khác.

Nhưng nếu bạn đoan chắc lựa chọn ban đầu vẫn là tốt nhất, kể cả đó là về cuộc hẹn hay việc làm, thì bạn nên học hỏi từ trải nghiệm vừa qua. Nếu ai đó từ chối lời hẹn của bạn, hay hỏi họ vì sao. Có lẽ bạn đã nói gì đó không đúng, hoặc bạn khiến họ thấy nhàm chán. Khi này bạn có thể điều chỉnh lại theo những gì họ nhận xét về bạn. Kể cả khi bạn không biết vì sao họ nói không với bạn, bạn vẫn có thể thử theo nhiều cách khác nhau vào lần sau, vì bạn biết rằng cách cũ đã không có tác dụng nữa rồi.

Lời từ chối không phải lúc nào cũng do bạn không đủ tốt. Nếu bạn nhận ra rằng bị chối từ là một cách để bạn tìm thấy điều gì thực sự dành cho mình, một ngày nào đó bạn sẽ tìm thấy điều hoàn hảo với mình và nhận được lời chấp thuận.

Nguồn ảnh bìa: Dawn Kim từ ideas.ted.com