1 tuần trước
Có Nên Vạch Ranh Giới Giữa Công Việc Và Cuộc Sống Cá Nhân Của Bạn Hay Không?
437

5053
Lượt xem
124
Lượt chia sẻ
10
Lượt bình luận

Trong thế giới công việc, có một số ngành kinh doanh nổi bật bởi tính cạnh tranh cao và gay gắt. Ví dụ như trong ngành Tài chính và Ngân hàng, Khởi nghiệp và Công nghệ thông tin, mọi người ai cũng có thể bị thay thế, bị đuổi việc một cách dễ dàng và tính cạnh tranh rất khốc liệt. Nó trở thành việc thân ai người nấy lo khi leo lên nấc thang thành công. Trong bối cảnh như vậy, mọi người trở nên ham công việc và chỉ nghĩ cho họ. Đây là thế giới mà mọi người cạnh tranh với nhau bằng mọi thủ đoạn để đạt được thành công mà không cần quan tâm xem có ảnh hưởng gì tới người khác hay không. Vậy làm cách nào họ được thăng chức? Họ phải làm gì để kiếm được một khoản hoa hồng hoặc tiền thưởng lớn hơn? Hoặc ít nhất tránh bị thay thế hay mất việc?

Tôi và bản ngã 

Với sự thay đổi trong cách tổ chức công việc, hành vi của nhân viên cũng thay đổi để thích nghi, và sự thay đổi cá nhân này tác động rất lớn đến các mối quan hệ. Trong các công việc có tính cạnh tranh, căng thẳng (ngày càng phổ biến), chúng ta thấy ngày càng nhiều các mối quan hệ hời hợt, thiếu sự tin tưởng và tàn nhẫn giữa các đồng nghiệp với nhau. Nhiều cá nhân đã trở nên luôn cảnh giác và quá thận trọng. Nhưng với tính cách và hành vi như vậy ở bên ngoài công việc, họ sẽ gặp những hậu quả trong cuộc sống và trong các mối quan hệ. 

Bạn đã bao giờ gặp những đồng nghiệp có tính cạnh tranh, ích kỷ, ham công việc và ít có lòng đồng cảm hay chưa? Hay những người hành động quá thận trọng, không tin tưởng bất cứ ai và giữ các mối quan hệ một cách nguyên tắc trên cơ sở "chỉ vì công việc"? Không may, vì có nhiều tổ chức, công ty mới được thành lập, nên những hành vi này đang trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. 

Điều gì xảy ra sau giờ làm việc?

Chúng ta được đào tạo về cách hành xử trong công việc, điều đó dẫn đến nhiều hậu quả trong mối quan hệ giữa các cá nhân. Nhiều người dành 8-12 tiếng một ngày để làm việc, vì vậy lối hành xử đã hình thành trong công việc có thể bị mang vào nhiều mặt khác của cuộc sống. Khi chúng ta cho phép điều này xảy ra, nó có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh chúng ta - những người trong cuộc sống của chúng ta ngoài công việc.

Chúng ta sẽ sớm nhận ra mình bị tách rời khỏi cảm xúc, trở nên không muốn mở lòng với bạn bè và người thân vì chúng ta đã quen với việc phải cảnh giác cao độ và không tin tưởng ai một cách dễ dàng. Chúng ta sợ bị lợi dụng hoặc bị đâm sau lưng.

Tình bạn của chúng ta trở thành mối quan hệ giao dịch do mối quan hệ "chỉ vì công việc" mà chúng ta đã quen tạo ra trong công việc. Kết quả là chúng ta bắt đầu mất khái niệm về việc để quan hệ vượt quá tính chất công việc hay đối xử tốt với những người thân yêu của chúng ta mà không cần báo đáp hay ràng buộc.

Do luôn thận trọng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta không thích giao tiếp nhiều với người khác vì chúng ta không muốn tiết lộ thông tin cá nhân bởi chúng ta sợ rằng sẽ có người dùng nó để chống lại chúng ta. Kết quả, những mối quan hệ ngoài công việc bị phân mảnh, và trở nên xa cách. Cuối cùng, chúng ta không có những mối quan hệ bền vững, sâu sắc. 

Làm thế nào để Tôi trở thành Chúng Ta?

Cách giải quyết lý tưởng là chúng ta phải đảm bảo rằng công việc được tách rời khỏi cuộc sống cá nhân. Chúng phải khác nhau. Để công việc ảnh hưởng tới mọi thứ trong cuộc sống cá nhân thường không có lợi cho bất cứ ai.

Điều quan trọng là bạn phải nhận ra bạn bè và gia đình của bạn là nơi bạn có thể cảm thấy an toàn để tin tưởng và quay về. Bên ngoài công việc, chúng ta có thể giảm stress và bỏ xuống sự cảnh giác của chính mình, và gia đình, bạn bè là những người chúng ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ không hại chúng ta.

Chúng ta phải luôn nỗ lực để có mặt và dành thời gian cho những người thân yêu mà không bận tâm tới công việc. Điều này cho phép chúng ta là chính mình và giảm tính cạnh tranh trong con người chúng ta. Việc nhận ra sự cảm thông và chân thành không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà có tầm quan trọng trong việc giúp chúng ta vượt qua suy nghĩ phải luôn cảnh giác với tất cả mọi người.

Tham gia vào các hoạt động giúp đỡ xã hội có thể giúp bạn hạnh phúc và giảm stress, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất. Nếu bạn đang ở trong một môi trường làm việc căng thẳng và cạnh tranh cao như vậy, bạn bè và những người thân yêu của bạn luôn là những người bạn có thể tìm đến để giúp bạn giảm stress. Vì vậy, giao tiếp là rất quan trọng để giúp bạn bè hiểu những gì chúng ta đang trải qua.

Tạo ra tình yêu, chứ không phải chiến tranh

Có lẽ việc cần phải thận trọng trong công việc là cần thiết. Mọi người có thể dùng những trò bỉ ổi để đánh bại chúng ta, đâm sau lưng chúng ta, buôn chuyện hay muốn qua mặt chúng ta. Không may, những điều này có thể xảy ra, và ngày càng nhiều hơn. 

Nhưng cho dù những hành vi này có tồn tại thì cũng không có nghĩa là chúng ta luôn phải dựng lên một bức tường với tất cả mọi người. Thực tế, nếu chúng ta nhận ra rằng mình quá thận trọng ở nơi làm việc, thì chúng ta nên thẳng thắn và cởi mở hơn với bạn bè và gia đình của chúng ta bên ngoài công việc. Họ không cần đánh bại chúng ta. Đó là một nơi an toàn, vì vậy chúng ta nên cho phép mình trở thành một phần trong đó. 

Khi chúng ta để thái độ làm việc tiêu cực ảnh hưởng đến cách chúng ta sống cuộc sống hàng ngày, thì không có gì tốt hết. Nhưng nếu chúng ta tách chúng ra và hiểu rằng chúng ta cần các mối quan hệ bền vững để cân bằng lại những căng thẳng trong công việc, con người của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn. 

Nguồn ảnh bìa: Kaboompics từ kaboompics.com