6 tháng trước
10 Thứ Bạn Nên Ngừng Bận Tâm Nếu Muốn Hạnh Phúc Hơn
1070

26.2K
Lượt xem
1203
Lượt chia sẻ
245
Lượt bình luận

Đã đến lúc bạn nên quẳng bớt những mối quan tâm. Vậy đấy. Đôi khi chúng ta không ngừng lo âu về tất cả mọi thứ, và thay vì làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, ta lại tự tạo thêm căng thẳng cho chính chúng ta. Sau đây là một số mẹo đơn giản giúp bạn giảm thiểu căng thẳng và lo âu.

1. Suy nghĩ của người khác

Hãy sống theo cách mà bạn muốn. Thậm chí điên rồ một chút. Đừng quan trọng hóa suy nghĩ của người khác, vì đây là cuộc sống của bạn, quyết định của bạn, lựa chọn của bạn. Những người khác thích phán xét thật đấy, nhưng bạn không nên bận tâm làm gì. Chỉ có bạn mới định nghĩa được bản thân, vì vậy cứ để họ đàm tiếu nếu họ thấy hứng thú. Nếu bạn quá để ý những lời nói của người khác, bạn sống cuộc sống của họ chứ không phải của chính bạn.

2. Những lỗi lầm đã qua

Ai cũng mắc lỗi hay làm rối tung mọi thứ. Đó mới chính là cuộc sống. Dù vậy bạn đừng quá khắt khe với bản thân. Bạn nên chấp nhận là mọi người đều có lúc sai sót: đó là bản chất tự nhiên của con người. Bạn có thể cho mình một đôi lần thiếu sót hay từ bỏ. Hãy học cách tha thứ cho bản thân thường xuyên hơn.

3. Thất bại

Đây hẳn là điều mà ai trong chúng ta đều e ngại. Nhưng thất bại không phải lúc nào cũng là một con quỷ đáng sợ. Suy cho cùng, điều đó phụ thuộc vào thái độ của bạn trước những thất bại. Nếu bạn cho rằng nó là thứ phá tan sự hoàn hảo mà bạn luôn hướng đến, bạn sẽ mãi là một kẻ thất bại đáng thương. Thực tế mà nói, thất bại là từ bỏ. Một khi bạn chưa từ bỏ tức là bạn cũng chưa thất bại. Hãy nhìn nhận thất bại như một con đường vòng trong quá trình học tập, Coi nó như một người bạn - chẳng có gì to tát cả, trừ khi chính bạn cho rằng như vậy.

4. Những thứ bạn không sở hữu

Con người thường hay hướng về những thứ mình thiếu thay vì những thứ mình đã có, khiến ta khó có được cảm giác thoải mái vui vẻ. Chúng ta cứ mãi tập trung vào những thứ chúng ta không có và kết cục là cảm giác như hoàn toàn bị mất đi điều gì đó. Vấn đề ở đây là gì? Tôi thường khuyên những khách hàng của mình nên chú trọng những điểm tích cực ở những thứ họ có, và những điểm tiêu cực ở những thứ họ không có. Chẳng có lý do gì mà bạn cứ phải tra tấn bản thân vì những thứ mình không có. Hãy lập ra danh sách những thứ bạn xem trọng trong cuộc sống. Có người có nhiều, có người có ít. Nhưng những gì bạn có là đủ.

5. Những cái "nếu"

Chúng ta có thể sẽ loạn lên vì lo lắng cho tương lai. Không ai đoán được những gì sắp xảy ra (những nhà tâm linh học chắc hẳn có nhiều tranh cãi về điều này), và chẳng có nghĩa lý gì khi bạn cứ tra tấn chính mình một cách không cần thiết với những suy nghĩ không ngừng về nhiều thứ mà có khi bạn chẳng bao giờ gặp phải. Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng loại lo lắng này chỉ gây thêm phiền não và mất tập trung. Đừng lo lắng nữa - nếu như bây giờ bạn có thể làm được điều gì, hãy làm nó. Nếu không, hãy đóng sập lại cánh cửa lo âu và quên nó đi.

6. Cho rằng mình chỉ hạnh phúc khi có được điều gì đó

Khi ta tin rằng cuộc sống của mình sẽ trở nên vui vẻ một khi điều gì đó xảy ra, ta thường bỏ mặc cuộc sống hiện tại cho đến khi điều đó thực sự đến. Thật là lãng phí nếu như ta cứ phủ nhận cuộc sống hiện tại vì những thứ quá xa vời. Đừng quan tâm đến tương lai quá nhiều, mà hãy tìm kiếm hạnh phúc hiện tại cho bản thân. Hạnh phúc không phải là một điểm đến, đó là cuộc hành trình.

7. Hối hận

Tiếc nuối là một phần của cuộc sống. Ta không thể xóa mờ quá khứ, vì thế bạn nên nhìn lại những điều bạn đã làm một cách triết lý. Bạn đã học được gì từ nó không? Nếu bạn hiểu ra được là không nên lặp lại điều đó hoặc nên thử một cách làm khác, bạn dường như đã có một thái độ tích cực đối với quá khứ. Hãy chấp nhận những gì đã qua, cho phép những lỗi lầm và tiếp tục cuộc sống.

8. Sự từ chối

Nhiều người trong chúng ta quá sợ bị từ chối đến nỗi ta thu mình trong vùng an toàn và không chịu chấp nhận rủi ro, mạo hiểm. Một khi bạn chịu cởi mở với những cảm xúc của mình, những rủi ro sẽ trở nên ít đáng sợ hơn. Bạn càng lẩn tránh những nỗi sợ thì chúng càng trở nên lớn mạnh. Hãy cho chính mình thấy bạn có thể bộc lộ cảm xúc một cách thoải mái và chấp nhận mọi hậu quả. Bằng cách này, bạn có thể chế ngự nỗi sợ bản thân bị chối bỏ. Thậm chí nếu kết quả không như mong đợi, bạn cũng sẽ thấy rằng kết quả đó không tồi tệ như bạn tưởng và bạn có thể giải quyết nó. "Mặt dày" hơn một chút, dũng cảm hơn một chút và hãy coi cuộc sống như một chuyến phiêu lưu.

9. Những sự kỳ vọng của xã hội

Bạn chỉ đẹp khi bạn gầy? Bạn chỉ được ngưỡng mộ và tôn trọng khi khoe khoang về tiền tài, gia thế của mình? Điều đó chả có nghĩa lý gì cả. Một khi bạn yêu thích và chấp nhận chính mình, bạn chẳng cần phải chứng tỏ bản thân với một ai khác. Đừng bị ám ảnh bởi những hình ảnh về sự hoàn hảo trên các phương tiện truyền thông. Hầu hết những hình ảnh này đều đã được chăm chút, chỉnh sửa và khiến chúng ta tin rằng đó mới là chuẩn mực của sự hoàn hảo. Hãy cố gắng không bận tâm đến điều đó. Ai cũng ưa thích sự hoàn mỹ nhưng cũng không thể quên rằng phần lớn những hình ảnh đó đều là sản phẩm nhân tạo. Hãy yêu bản thân, yêu sự không hoàn mỹ và tất cả những gì thuộc về mình. Đó mới là tự do thực thụ.

10. Tốt "vừa đủ"

Một điều dễ gặp là chúng ta thường cảm thấy bản thân yếu kém lĩnh vực nào đó. Thế giới mà ta đang sống đầy rẫy những cuộc đua và thử thách. Thật tốt nếu như nhờ có điều đó, ta nhìn nhận được mong muốn cải thiện bản thân và hình thành các mặt nhân cách. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ canh cánh trong lòng những suy nghĩ tiêu cực về những điều mình thiếu sót, điều đó trở nên có hại. Thế nào là "vừa đủ tốt"? Có một quyển sách nào chứa định nghĩa về nó không? Chỉ cần bạn hài lòng với việc bạn là ai, bạn đang ở đâu và bạn đã đi được bao xa, đó mới là những điều đáng xem trọng.

Chúng ta thường lo lắng những thứ không cần thiết và vô hình chung gây ra áp lực cho chính bản thân mình. Hãy nhớ đến 10 điều trên, và loại bỏ chúng khỏi danh sách những nỗi lo thường nhật. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và bớt đi những phiền não phần nào!