4 ngày trước
Đây Là Lí Do Tại Sao Mà Bạn Nên Sống Theo Khẩu Hiệu Của Kit Kat

Khi xét đến công việc và sự nghiệp của chúng ta nói chung, thì việc thành đạt và phát triển lớn mạnh trong nghề nghiệp của chúng ta cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải đạt được năng suất làm việc càng cao càng tốt. Muốn đạt kết quả thì mọi việc phải được hoàn thành, nhưng với lối suy nghĩ đó rốt cuộc chúng ta thường sẽ hi sinh mất những khoảng nghỉ giải lao nhằm có được nhiều thời gian làm việc hơn.

Mặc dù điều đó có thể đem lại kết quả trong ngắn hạn, song theo thời gian nó có thể dẫn tới sự kiệt quệ và cảm giác mệt mỏi đến không còn chút sức lực nào về tinh thần. Năng suất làm việc của chúng ta rốt cuộc sẽ lao dốc đơn giản bởi vì ta đã không dành thời gian rời xa công việc để "tắt máy" bản thân và nghỉ giải lao một chút.

Sự mệt mỏi là kết quả của việc cơ thể chúng ta không có đủ thời gian để hồi phục năng lượng, cộng với những lần bỏ bữa, nghĩa là cơ thể phải hoạt động mà không có đủ các dưỡng chất và năng lượng để có được năng suất cao như mong muốn. Đó là một vòng luẩn quẩn tai hại mà nhiều người trong số chúng ta đang lao vào.

Tại sao chúng ta không nghỉ ngơi đầy đủ?

Đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan khi chúng ta bỏ qua thời gian nghỉ để đạt được năng suất làm việc cao hơn, nhưng càng làm vậy chúng ta lại càng trở nên kém năng suất hơn. Vậy tại sao ta lại làm vậy?

Vì không có thời gian. Cái cảm giác rằng mình có nhiều công việc hơn so với lượng thời gian để hoàn thành chúng là khá phổ biến. Họp hành và thư điện tử liên miên tới tấp cũng có nghĩa là khi ta bước chân tới văn phòng vào buổi sáng thì thời gian có thể trôi ào ào tới chiều muộn ngay. Thế mà bạn vẫn cảm thấy mình chẳng bao giờ hoàn thành được việc gì - thậm chí lại còn thêm những cuộc họp hành và thư điện tử chất đống cho ngày hôm sau nữa.

Vì lo sợ những điều người khác nghĩ về mình. Kể cả khi sếp của bạn không đòi hỏi quá mức, thì bạn cũng không muốn mình trông có vẻ như đang trốn việc ngay trong giờ làm bằng cách nghỉ ngơi quá nhiều. Điều đó sẽ còn tệ hơn nữa nếu bạn làm việc trong một văn phòng chung không có vách ngăn, nơi mà mọi người đều có thể nhìn thấy mọi hành động của bạn. Bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy hoang tưởng khi dành ra 10 phút để giải lao trong ngày, với suy nghĩ rằng đồng nghiệp hoặc các sếp đang phán xét mình.

Bởi vì bạn nghĩ giải lao là không cần thiết. Nhiều người thấy giải lao là bất tiện và nghĩ rằng việc ngồi xuống thư giãn 10 phút là lãng phí thời gian. Đó là cảm giác khó chịu khi bạn biết rằng mình có quá nhiều việc để tiếp tục làm, đến nỗi nhiều việc trong số đó không cần đến những khoảng giải lao vốn rất cần thiết kia.

Bởi bạn không biết làm gì để thư giãn. Có nhiều nơi làm việc khuyến khích mọi người nên nghỉ giải lao và tạm rời xa bàn làm việc, nhưng nếu chỗ bạn không được như vậy thì việc ngồi tại bàn có thể dẫn tới những phút di chuột đọc tin tức trên Facebook hoặc Instagram. Mặc dù việc này tạo cảm giác như đang nghỉ giải lao, nhưng nó không giúp tâm trí bạn được thư giãn hay thực sự tạo cho tâm trí bạn một khoảng giải lao đủ chất lượng cần thiết.

Điều gì sẽ thực sự xảy ra nếu chúng ta không có những khoảng giải lao cần thiết?

Hiệu quả làm việc giảm sút. Các nghiên cứu đã cho thấy, làm một công việc trong thời gian quá dài mà không ngơi nghỉ sẽ tạo ra sự giảm sút trong hiệu quả làm việc nói chung. Trong khi đó việc nghỉ giải lao đều đặn sẽ làm tăng ngay hiệu quả làm việc.

Tính trì hoãn gia tăng. Việc để mình bị cuốn theo công việc đang làm là một cảm giác tuyệt vời, song nó không kéo dài mãi mãi. Là con người, chúng ta sẽ cảm thấy chán và điều đó thường dẫn tới tính trì hoãn. Bộ não của chúng ta không được thiết kế để tập trung trong thời gian dài, đó là lí do tại sao việc nghỉ giải lao sẽ có ích hơn và sẽ kéo bạn về lại đúng hướng khi cơn buồn chán ập đến. Tất cả đều xoay quanh việc “bất hoạt và tái hoạt”[1] các mục tiêu của mình nhằm duy trì sự tập trung.

Khoảng thời gian duy trì chú ý bị rút ngắn. Khoảng thời gian duy trì chú ý trung bình của người trưởng thành là từ 15 đến 40 phút. Con số này có thể còn giảm hơn nữa nếu bạn cứ tiếp tục không chịu nghỉ giải lao. Nói cách khác, chúng ta rốt cuộc sẽ vắt kiệt chức năng nhận thức của mình, mà tình trạng này có thể được giải quyết bằng cách dành thời gian nghỉ ngơi để bộ não được tái khởi động lại.

Mệt mỏi và kiệt quệ. Trạng thái kiệt quệ thường rất ít khi xảy ra nhưng đó là kết quả chung của thói quen không dừng lại nghỉ giải lao. Mệt mỏi thường là tiền đề của nó và nói lên rằng cơ thể chúng ta đang bị hư hại. Điều đó có thể làm bạn mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc hoặc đổ bệnh khiến cho công việc không được hoàn thành một chút nào cả.

Hãy nghỉ giải lao để tăng năng suất làm việc và sức khỏe tổng quát của bạn

Hãy theo dõi và giới hạn thời gian mà bạn dành cho công việc. Bạn có biết mình thực sự dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho công việc không? Các nghiên cứu đã gợi ý rằng[2] chỉ 17 phần trăm số người được hỏi biết được bao nhiêu thời gian đã trôi qua trong khi mình đang đánh vật với công việc. Hãy ý thức về lượng thời gian mà bạn dành cho công việc, nhờ đó bạn có thể hiểu rõ hơn về một thời gian biểu giúp tăng hiệu suất làm việc, cũng như lúc nào thì cần giải lao.

Hãy thay đổi lối suy nghĩ. Thường thì rào cản lớn nhất của chúng ta là việc không chấp nhận xem khoảng nghỉ giải lao là có lợi cho mình. Hãy bắt đầu nhìn nhận việc nghỉ giải lao như một nhu cầu cần thiết hơn là một trở ngại.

Đừng bao giờ bỏ bữa. Việc xếp lịch họp vào giờ ăn trưa hoặc sử dụng thời gian ăn trưa như một cách để giải quyết kịp lượng công việc chất đống là cực kì có hại cho năng suất làm việc của bạn. Việc bỏ bữa hoặc ăn vội sẽ chỉ làm hại sức khỏe và năng suất làm việc về lâu dài của bạn. Hãy dùng thời gian này để thư giãn và nghĩ về những thứ không liên quan đến công việc, bởi điều đó sẽ tái khởi động bộ não như một cách giúp nuôi dưỡng nó.

Hãy vứt bỏ những lời biện hộ đi. Câu nói "Mình chẳng có đủ thời gian" có thể đã thoáng hiện lên trong tâm trí bạn vô số lần, nhưng chúng ta phải vứt bỏ những lời biện hộ ấy đi. Hãy tự cứu mình bằng cách lập danh sách những việc cần hoàn thành trong ngày để giúp dọn dẹp gọn gàng mớ bòng bong trong đầu mình, nhưng hãy nhớ điền thêm cả những khoảng nghỉ giải lao vào danh sách đó bởi chúng cũng quan trọng không kém đâu. Điều đó sẽ giúp tăng tốc quá trình hoàn thành mọi việc của bạn đấy.

Hãy cân nhắc việc tập thể dục. Việc nghỉ ngơi hoặc chợp mắt một chút giữa ban ngày là những cách tuyệt vời để phục hồi và làm trẻ hóa bản thân. Nhưng một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Môi trường và Nghề nghiệp (Journal of Occupational and Environmental Medicine)[3] đã phát hiện ra rằng việc kết hợp tập thể dục trong một ngày làm việc có thể giúp cải thiện năng suất làm việc của bạn. Hãy thử tham gia một phòng tập thể hình gần chỗ bạn làm, hãy tập chạy một chút trong giờ nghỉ trưa hoặc đi bộ đơn giản để giúp bộ não của bạn sung sức trở lại và sẵn sàng tiếp tục chiến đấu với công việc.

Cứ việc nghỉ ngơi đi!

Hãy cố gắng đừng tự thuyết phục bản thân rằng làm việc trong một khoảng thời gian dài là chiến lược nâng cao năng suất làm việc tối ưu. Một điều đã được làm rõ thông qua các nghiên cứu là bộ não của chúng ta không được thiết kế để tập trung trong một thời gian dài, và nó cần có một khoảng thời gian tạm "tắt nguồn" để có thể hoạt động ở mức tối ưu.

Một nghiên cứu đã phát hiện bí quyết giúp đạt được năng suất làm việc hằng ngày tối ưu: làm việc trong 52 phút và nghỉ giải lao 17 phút[4]. Điều đó tạo ra một chu trình làm việc tốt nhất để đạt được hiệu quả cao nhất.

Vậy là hãy bỏ hết những lời biện hộ, đừng làm việc thâu trưa, hãy dành thời gian ăn uống và nạp lại năng lượng, và hãy cân nhắc cả việc tập thể lực nữa. Dù bạn có làm gì thì hãy đảm bảo là mình sẽ cố gắng tìm ra được những khoảng thời gian quan trọng để tái khởi động lại bộ não và hãy chờ xem năng suất làm việc của bạn sẽ tăng vọt đến đâu!

Nguồn ảnh bìa: rawpixel.com từ pexels.com

Tài liệu tham khảo