8 tháng trước
Trong Cuộc Sống Bạn Có Phải Là Người Bị Cảm Xúc Chi Phối Hay Là Một Người Mạnh Mẽ?
330

4756
Lượt xem
270
Lượt chia sẻ
88
Lượt bình luận

Trong cuộc sống chúng ta có 2 kiểu người, và tính cách của họ được bộc lộ khi họ có một biến động lớn, bị t​​​​​​​hử thách hoặc trải qua một sự kiện đau khổ. Khi điều này xảy ra, hoặc họ sẽ chuyển sang chế độ sống còn, tìm được sức mạnh để vượt qua và nhìn ra được khía cạnh tốt của hoàn cảnh, hoặc họ sẽ đắm chìm trong sự thương hại bản thân vì hoàn cảnh của họ. Cách bạn phản ứng trước các khó khăn trong cuộc sống sẽ cho thấy bản chất thực sự của bạn. Bạn sẽ thế hiện mình là người mạnh mẽ hoặc là người đã bị cảm xúc chi phối, và chỉ biết thương hại bản thân. Nếu bạn cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ không bao giờ thành công, vì bạn sẽ bị suy nghĩ tiêu cực, và vì quá thương hại bản thân nên bạn sẽ không đạt được những mục tiêu của mình. Để thành công trong cuộc sống, cho dù trong tình yêu, sự nghiệp, giáo dục con cái, hoặc bất cứ thứ gì, bạn cần phải nhận ra những thói quen xấu này của mình để có thể loại bỏ chúng. Sự tự thương hại bản thân sẽ là trở ngại lớn trước sự thành công, và bạn sẽ không thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Định nghĩa của người bị cảm xúc chi phối

Một người bị cảm giác thương hại chi phối là một người tự bẫy mình vào hoàn cảnh sống. Họ cản trở sự phát triển của mình, vì họ níu kéo cảm giác đó. Họ cảm thấy cả thế giới chống lại họ, chính vì vậy, họ bị mắc kẹt trong sự tự thương hại, và cho phép cảm xúc này hoàn toàn chi phối họ. Sự tự thương hại này có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân.

Có lẽ chính bạn đã từng va chạm với dạng người luôn luôn quan trọng hóa vấn đề sức khỏe của họ. Người này hay nói về những vấn đề này, cứ như họ là người duy nhất trên thế giới này gặp phải khó khăn với sức khỏe. Họ sẽ không ngừng phàn nàn, và có những trường hợp khi kiểu người này còn đăng cả hình ảnh về chuyện này trên mạng xã hội. Tất cả chỉ vì muốn được mọi người thương hại mình. Họ bị đắm chìm trong cảm xúc này thay vì tìm cách chữa trị hoặc giải quyết vấn đề và tiếp tục với cuộc sống của họ.

Một trong những ví dụ khác là người “nghiện chính trị”. Dường như họ bị mắc kẹt trong một vòng tranh luận chính trị không có hồi kết. Thế giới của họ chỉ xoay quanh những vấn đề chính trị gay cấn mà có thể có hoặc không ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân họ. Họ quan tâm tới chính trị đến mức họ không còn quan tâm tới hạnh phúc bản thân nữa. Chắc chắn bạn đã thấy kiểu người này trên mạng xã hội. Có khi họ có thể hạnh phúc hơn nếu không bàn luận chính trị trên mạng xã hội. Thay vao đó, họ có thể sống một cuộc sống thật (ví dụ: dứt khỏi Facebook, ra ngoài gặp bạn bè, và không nói chuyện về chính trị). Đừng để bản thân bị rơi vào hoàn cảnh này.

Đây chỉ là 2 ví dụ về các kiểu người bị cảm xúc chi phối. Chắc hẳn bạn đã gặp rất nhiều người như thế này. Nếu bạn gặp một người đang bị mắc kẹt với một vấn đề đến nỗi họ không còn quan tâm đến gì nữa, rất có thể họ đang tự thương hại mình.

Và tồi tệ nhất là những người này luôn cho rằng mình là nạn nhân. Đơn giản điều này có nghĩa họ đang bất mãn về tất cả mọi thứ trong cuộc sống của họ. Họ luôn luôn có thái độ “tôi thật đáng thương”. Đối với những người khác, họ sẽ thấy kiểu người này có suy nghĩ tiêu cực, là một người buồn bã. Trên thực tế, khi bạn thấy con người như vậy, có thể họ có vấn đề nghiêm trọng hơn, như giả sử bị trầm cảm mãn tính. Nếu đây đúng là trường hợp này, thì họ cần phải tìm tới bác sĩ tâm lý.

Chúng ta có thể liệt kê ra vô vàn lý do tại sao mọi người lại tự thương hại bản thân. Yếu tố phổ biến nhất là khi chúng ta có một vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống. Đối với một số người đây có thể là một bi kịch chính đáng như cái chết của người thân hoặc bị mất việc. Trong tình huống này bạn cần hỏi bản thân: “Tôi có đang bị mắc kẹt trong cảm xúc này vì một thứ gì đó, hay một ai đó hay không?” Nếu câu trả lời là có, thì hôm nay là ngày bạn sẽ thay đổi mọi thứ. Đừng tự thương hại bản thân. Hãy tập trung vào cách giải quyết chứ không phải vào vấn đề. Hãy nói với bản thân rằng bạn sẽ vượt qua được, và bạn không cần sự thương hại từ chính mình hoặc người khác. Nếu bạn cảm thấy một mình không làm được, hãy tìm sự hỗ trợ từ những người khác hoặc những chuyên gia, từ nhà tư vấn tới bác sĩ tâm lý. Sau này bạn sẽ cảm ơn chính mình vì quyết định này.

Định nghĩa của người mạnh mẽ

Bạn đã từng gặp ai khiến bạn nghĩ họ là một người tuyệt vời, vì bất chấp mọi thứ họ đã phải trải qua trong cuộc sống (như sự ra đi của người vợ/chồng, mất con, hoặc là nạn nhân của một tội ác bạo lực), họ vẫn chiến thắng tất cả hoặc ít nhất thì cũng có một thái độ lạc quan về mọi thứ? Kiểu người có thái độ “có thể” và “sẽ làm” có sức mạnh lan tỏa lớn. Họ cố gắng nghĩ rằng những rắc rối của họ không phải là một thứ vô ích, mà tất cả những gì xảy ra với họ đều có lý do của nó. Kiểu người này là người mạnh mẽ. Họ sẽ nhìn được những mặt tốt của tình huống, hoặc ít nhất nhận ra rằng tất cả những khó khăn và thử thách sẽ làm họ trở thành một con người mạnh mẽ và tốt hơn. Họ không đắm chìm trong những khó khăn đó; ngược lại họ biến chúng thành lợi thế.

Một người mạnh mẽ sẽ hành động ngược lại người hay thương hại bản thân. Một người mạnh mẽ sẽ tìm kiếm cách giải quyết cho các tình huống khi có xung đột hoặc rắc rối xảy ra. Cách tư duy của họ giúp họ không bị mắc kẹt trong quá khứ, trong bi kịch đã từng xảy ra với họ. Họ chấp nhận nỗi đau này, và tiếp tục sống, tập trung vào hiện tại và tương lai.

Bạn có thể đau buồn vì bị mất việc, cái chết của người thân, bị bệnh hiểm nghèo, hoặc khi bạn phải chuyển nơi ở. Nếu bạn nhận ra cảm xúc này, và hiểu rằng đây chỉ là một quá trình có hồi kết, thì bạn sẽ vượt qua được nó. Dưới đây là những giai đoạn của nỗi đau theo PsychCentral: “5 giai đoạn của nỗi đau và mất mát là: 1. Từ chối và cô lập; 2. Tức giận; 3. Tranh luận; 4. Trầm cảm; 5. Chấp nhận. Nhưng không có nghĩa tất cả mọi người đều qua tất cả những giai đoạn này, và đúng theo thứ tự này.” Nếu bạn là người mạnh mẽ, bạn sẽ không bị mắc kẹt ở một giai đoàn nào cả. Bạn chuyển từ giai đoạn này, qua giai đoạn khác một cách tự nhiên để bạn có thể tập trung vào cuộc sống hiện tại, chứ không phải cuộc sống trong quá khứ.

Có một số đặc điểm chung mà tất cả những người mạnh mẽ đều có. Đó là lòng biết ơn cuộc sống, sự tập trung vào những mục tiêu lớn và không bị mắc kẹt với những vấn đề nhỏ. Những người mạnh mẽ biết cách vượt qua những khó khăn và không phàn nàn. Và quan trọng nhất, họ cố gắng hiểu được ý nghĩa hoặc mục đích của những thử thách và khó khăn họ phải đối mặt trong cuộc sống. Làm vậy sẽ giúp họ lạc quan và hiểu rằng họ sẽ trở thành một con người tốt hơn, mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và kiên cường hơn.

Bạn Sẽ Chọn Làm Người Như Thế Nào?

Bạn có thể là một người bị cảm xúc chi phối hoặc là một người mạnh mẽ. Bạn sẽ đứng giữa hai lựa chọn này khi gặp phải những tình huống khó khăn như ly dị, cái chết của người thân trong gia đình, bị mất một công việc lý tưởng, hoặc khi bi kịch xảy ra. Bạn cần quyết định cách xử lý những tình huống đấy trước khi chúng ập vào bạn, để bạn có sự chuẩn bị về mặt tinh thần và vượt qua, chứ không đắm chìm vào sự thương hại.

Bạn có thể là người bị cảm xúc chi phối nếu bạn nghĩ: “Có, tôi hiểu những gì bạn nói, nhưng bạn không hiểu được những gì tôi đã phải trải qua”. Tôi không cần biết điều đó. Tất cả mọi người đều có thể trở nên mạnh mẽ hơn cho dù hoàn cảnh của họ có thảm hại đến mức nào. Đây là vô số những câu chuyện tuyệt vời và những ví dụ về những “kẻ sống sót”: http://www.howlifeunfolds.com/lettersofpeace#authors.

Nếu những người khác có thể sống sót qua những sự kiện khủng khiếp và trở thành những con người tuyệt vời, thì bạn cũng làm được. Bạn cần thuyết phục bản thân mình là một người mạnh mẽ, và không ngồi một chỗ và tự thương hại mình. Đấy không phải là tình yêu. Tình yêu là khi bạn nói với chính mình và những người khác rằng họ có thể vươn lên và vượt qua bi kịch, sự mất mát và những sự kiện đau buồn để trở thành một con người tốt hơn, mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn.