5 tháng trước
Làm Thế Nào Để Phát Triển Mà Không Bị Tổn Thương Khi Bạn Là Người Nhạy Cảm (Phần 1/3)
719

11.5K
Lượt xem
198
Lượt chia sẻ
1
Lượt bình luận

The Highly Sensitive Person

Một series gồm 3 phần về cách thức để phát triển khi bạn là người nhạy cảm. Đây là Phần số 1.

Bất cứ lúc nào, trong số 5 người trong phòng, luôn có 1 người đang trải nghiệm thực tại với cường độ cảm xúc mạnh hơn 4 người còn lại. Và vì cuộc sống được cấu thành bởi nhiều thực tại khác nhau, bất kỳ lúc nào, luôn có 1 trong 5 người cảm nghiệm cuộc sống cách mãnh liệt hơn những người khác.

Họ biết điều đó. Và họ cảm thấy rất khó chịu.

“Tại sao tôi lại quan trọng hóa mọi sự như vậy? Tại sao tôi quan tâm chú ý còn mọi người thì không? Tại sao xúc cảm của tôi mãnh liệt hơn mọi người? Tại sao tôi lại nhạy cảm như vậy?”

Khoảng 20% dân số thế giời đổ lại có đặc điểm tính cách khiến họ trở nên nhạy cảm hơn mọi người: Xem thêm Người Có Tính Cách Nhạy Cảm Cao.

Một trong số nhiều hệ quả là, đặc điểm này khiến bạn có khả năng nhận thức rõ hơn và xử lý các tác nhân kích thích sâu sắc hơn những ai không sở hữu tính cách này (80-85%).

Một số lượng lớn người có tính cách nhạy cảm cao (Highly Sensitive Persons - HSPs) đã đánh đồng đặc điểm này là một khiếm khuyết chết người của họ.

Và đó là một kết luận rất đáng buồn.

Đặc điểm tính cách này đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng vì không được đánh giá chính xác nên nhiều ích lợi trong số đó không bao giờ có cơ hội được bộc lộ ra.

Chúng ta bị mắc kẹt trong tình trạng cố gắng kìm hãm xúc cảm cá nhân với mục đích loại bỏ nó hoàn toàn. Tại sao lại như vậy? Điều gì làm cho chúng ta khó chịu với bản thân đến mức muốn trở thành một người hoàn toàn khác?

Tôi cho rằng đó là vì ta không có được nhận thức toàn diện về xúc cảm, dẫn đến tình trạng ta phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi diễn giải ý nghĩa của việc là một người nhạy cảm.

Vậy ta có thể làm sáng tỏ một số nhận thức sai lầm được chăng?

Trong series 3 phần này, chúng ta sẽ nghiên cứu sâu hơn về ý nghĩa của việc là một HSP, những nhận định sai lầm về tính cách cá nhân này và cách thức để tìm thấy sự bình an nơi chính mình.

Đây là Phần số 1.

***

Bạn có năng lực bẩm sinh nhận thức được nhiều thứ hơn. Bạn có hài lòng về điều đó không?

Người HSP được đặc trưng bởi khả năng nhận thức cao hơn, đặc biệt là về những tiểu tiết nhỏ nhặt của môi trường sống.

Chúng ta không chỉ ý thức rõ về thế giới xung quanh (con người, thế giới, những gì giác quan ta tiếp nhận), mà còn cả về thế giới nội tâm của mình (suy nghĩ, xúc cảm, giác quan cơ thể và ký ức cá nhân).

Như vậy, bạn không chỉ có khả năng nhanh chóng hơn trong việc nhận thức những chi tiết hiển nhiên, như số lượng người trong phòng và cách thức nội thất được bày trí, mà cả những tiểu tiết nhỏ, như ngôn ngữ cơ thể, tình trạng năng lượng và những thay đổi trong tâm trạng của mọi người.

Và không chỉ dừng lại ở đây. Ngoài việc ý thức những điều đang diễn ra bên ngoài, bạn còn nhận thức rõ những gì đang diễn ra bên trong chính bạn. “Trái tim tôi đang chạy đua khi tôi nói chuyện với người phụ nữ kín đáo này.”

Điều này có nghĩa là trong khi 80-85% mọi người có thể không chú ý đến việc gương mặt của Rita hơi sầm xuống khi nghe thông tin Sharon mới được lên chức, thì bạn lại nhận ra điều đó. Tại sao như vậy? Không phải vì bạn là người soi mói, hay để ý đến người khác, nhưng là vì não bộ của bạn đã được ban cho năng lực nhận thức những tiểu tiết nhỏ.

Đây là cơ sở để giới thiệu nghiên cứu về não bộ của người nhạy cảm cao.

Kết quả quét não cho thấy những người nhạy cảm cao (HSP) có khả năng nhận thức và chú ý tốt hơn đến các tác nhân kích thích nhỏ. 80-85% dân số thế giới không có được khả năng này. Điều này không liên quan gì đến sở thích hay ý định cá nhân, nhưng chẳng qua là vì các vùng não có vai trò phản ứng với các tiểu tiết nhỏ của họ không hoạt động giống như những người HSP.

Nhận định sai lầm đầu tiên cần loại bỏ là việc bạn tự tạo ra ý thức của mình.

Không đúng như vậy. Bạn không hề tự khiến bản thân ý thức những điều tiêu cực trong cuộc sống, như việc Rita sầm mặt xuống khi nghe thông tin Sharon mới được thăng chức.

Sự nhận thức mạnh mẽ đó là hoàn toàn tự động và bắt nguồn từ đặc điểm tính cách của bạn. Nó nằm trong não bộ của chính bạn.

Điều trớ trêu là đáng lẽ bạn phải thấy hạnh phúc với bản thân về điều này. Thử nghĩ xem. Nếu bạn có thể nhận ra những tiểu tiết mà phần lớn mọi người đều bỏ qua, chẳng phải bạn sẽ có nhiều cơ hội để trở nên độc đáo và sáng tạo ư?

Những người HSP có hiểu biết thường suy nghĩ như vậy. Không phải là họ không có những xúc cảm mạnh mẽ từ việc chú ý những tiểu tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đơn giản là họ chủ tâm lựa chọn không cảm thấy xấu hổ, nhưng trái lại, vui vẻ với cảm xúc của mình. Họ sử dụng sự nhạy cảm cá nhân để chủ tâm sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Kết quả quét não cũng cho thấy rằng so với người bình thường, người nhạy cảm cao (HSP) có những đặc điểm sau:

  1. Họ phản ứng mạnh hơn với các tác nhân tích cực (tình yêu, sự cảm thông, âm nhạc, hội họa, thiên nhiên, v.v...) cũng như tiêu cực (sợ hãi, phiền muộn, đau đớn, sự tàn ác, bất công).
  2. Họ đồng cảm hơn (bị tác động và phản ứng) với cảm xúc, cảm giác và tình trạng năng lượng của người khác.

Ngạc nhiên chưa?

“Là một diễn viên, bạn phải sống với rất nhiều cảm xúc phức tạp, và đôi khi những cảm xúc này bao vây và gây tổn hại đến bạn. Ấy vậy mà bạn vẫn, một cách ý thức hay vô thức, để điều đó diễn ra… Đó là lựa chọn của tôi, và tôi thà như vậy còn hơn là sống đến 100 tuổi… Hơn là từ chối tuân theo những khuôn khổ của cuộc sống. Tôi sẵn sàng chấp nhận bay gần ngọn lửa.”  – Nicole Kidman

Trong khi đó, những người HSP không có hiểu biết lại cảm thấy có vấn đề với năng lực nhận thức của mình.

Vì không hiểu rằng ý thức là một quá trình diễn ra vô điều kiện và không nằm trong tầm kiểm soát của mình, nhiều người HSP khi thấy bản thân chú ý đến những tình tiết xã hội nhỏ nhặt đã cho rằng đó là do tật xấu của họ.

“Karen nói đúng. Tôi luôn chú ý đến mặt tiêu cực của sự việc. Như khi Jessica nhăn mặt và tỏ ra không vui.”

Có thể bạn chú ý đến cái cau mày của Jessica vì hiểu được ý nghĩa của nó. Và Karen là một trong số 80-85% người bình thường không có khả năng nhận thấy điều này.

Vậy chúng ta phải làm gì đây? Tính cách của ta khiến ta nhận thức được nhiều điều hơn, nhưng những người khác không nhìn thấy điều này và nói rằng ta tự nghĩ ra mấy thứ vớ vẩn đó.

Và đây là lúc năng lực chuyển hóa thành tai họa

Mọi người không công nhận mình? Không phải như vậy.

Chính chúng ta đang cho rằng bản thân cần đến sự công nhận và đánh giá đúng về mình của người khác.

Cụ thể hơn, ta đang yêu cầu những người bình thường phải công nhận quan điểm của ta.

Nếu ta cố gắng buộc những người ít nhạy cảm suy nghĩ về cuộc sống như một người nhạy cảm, thì chắc chắn ta sẽ thất bại. Họ sẽ không nhìn thấy những gì bạn nhìn thấy. Đó không phải thiên tính của họ. Hãy nghĩ xem, liệu họ có thể ép bạn ít chú ý hơn không? Liệu bạn có thể không nhìn thấy Jessica nhăn mặt khi điều đó xảy ra không? Bạn không có quyền sao? Nhận thức là một phần nhân cách bẩm sinh của bạn. Nó diễn ra cách vô điều kiện. Tương tự như vậy, việc những người ít nhạy cảm ít chú ý đến tiểu tiết là hoàn toàn bình thường. Não bộ của họ không có khả năng nhận thức giống như bạn.

Đã đến lúc chúng ta ngừng cảm thấy khó chịu và bớt tức giận về điều này.

Những người ít nhạy cảm luôn chiếm số đông. Khoảng 80-85% dân số thế giới thuộc tuýp người này. Như vậy, khi 1 người có khả năng nhận thức vấn đề thì sẽ có 4 người khác không nhìn thấy điều đó.

Cách tốt nhất để cảm thấy hài lòng về việc này là đừng đòi hỏi sự công nhận nơi 4 người kia. Thông thường, mọi thứ sẽ không diễn ra như ta mong đợi. Và điều đó khiến ta cay đắng và tức giận. Tại sao họ dám nói là mình nhạy cảm quá mức.

Khả năng nhận thức của bạn sẽ chỉ trở thành món quà khi bạn thực sự nghĩ như vậy.

Dưới đây là 8 bước khởi đầu.

  1. Chấp nhận thực tế bạn là người nhạy cảm, và điều đó khiến bạn có khả năng nhận thức sâu sắc những tiểu tiết mà 80-85% người xung quanh không có. Nếu chưa chắc chắn về việc bạn có thuộc mẫu người này không, hãy làm thử bài kiểm tra này.
  2. Chấp nhận rằng bạn không hề tự tạo ra nhận thức của mình. Nhận thức là điều trời phú cho bạn. Nó nằm trong bộ não và tính cách của bạn.
  3. Cố gắng tin tưởng vào nhận thức của bạn. Bạn không cần được những người ít nhạy cảm cho phép bạn có được những ý thức đó.
  4. Đừng áp đặt cảm xúc của mình lên người khác và xem đó là vấn đề của họ. Luôn có 4 trong số 5 người không nhận ra điều bạn nhìn thấy. Lý do gì khiến bạn nghĩ rằng họ phải nhìn thấy chứ?
  5. Đừng tỏ ra cay cú với những người ít nhạy cảm. Hãy để họ là chính mình. Bạn có thể học cách tồn tại chung, nhưng không nhất thiết phải hòa hợp với nhau. Ngoài ra, những khác biệt về tính cách không có nghĩa là bên nào tốt hơn bên nào cả. Thế giới cần đến cả những người nhạy cảm và ít nhạy cảm để có thể tồn tại và phát triển được.
  6. Ý thức rằng bạn vẫn thuộc thành phần thiểu số, và rằng nhiều lúc bạn muốn tin rằng sự việc đang diễn ra một cách khó chấp nhận. Tỷ lệ 4 người ít nhạy cảm trên 1 người nhạy cảm là một con số chênh lệch lớn, đặc biệt khi những người ít nhạy cảm nói rằng cảm xúc mạnh mẽ của chúng ta là điều bất bình thường. Điều này không đúng. Khoảng 1.4 tỉ người nhạy cảm trên thế giới không nghĩ như vậy.
  7. Cố gắng tìm kiếm những người có cùng tính cách với bạn và hiểu được ý nghĩa của việc là một người nhạy cảm. Họ sẽ giúp ta bình thường hóa xúc cảm cá nhân và đem lại thái độ công nhận mà ta hằng tìm kiếm. Nhưng hãy nhớ hạn chế tương tác với những ai suy nghĩ bi quan – dù họ thuộc tuýp người nào đi nữa.
  8. Xem khả năng nhận thức của bạn là một lợi thế. Có những người nhạy cảm rất yêu quý cuộc sống bởi những gì mà cảm xúc cá nhân mang đến cho họ. Các nghệ sĩ, diễn viên, doanh nhân nổi tiếng đều đã từng chia sẻ về việc thành công của họ đã không thể thành hiện thực nếu không nhờ đến khả năng nhạy cảm với từng chi tiết của mình. Điều này hoàn toàn hợp lý phải không? Liệu có cách nào để đạt được sự sáng tạo mà không nhạy cảm với những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống không?

Chúng ta muốn xem năng lực nhận thức của bản thân là một món quà trời ban, vì vậy hãy ngừng coi đó là một mối họa cần kiểm soát. Thế giới này cần đến khả năng nhạy cảm với cuộc sống của bạn, chứ không phải việc bạn tìm cách trốn tránh năng lực đó.

Bài viết khuyên đọc
Sách: Người Nhạy Cảm Cao
Vùng Thoải Mái: Nghiên cứu chi tiết về tính cách người nhạy cảm của Tiến Sĩ Elaine Aron, bản tin hàng tháng được gửi đến hộp thư của bạn

***

Trong Phần 2 & Phần 3, tôi sẽ bàn luận sâu hơn những nỗi băn khoăn của người nhạy cảm cao về tính cách của họ, khiến họ không thể có được cuộc sống chân thực. Việc chú ý đến các tiểu tiết nhỏ khiến bạn có khả năng nhận thức nhiều thứ hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ làm quá tải hệ thần kinh của bạn. Sự quá tải này có thể khiến ta "tắt điện" hoặc phản ứng theo cách không chủ đích, để rồi sau đó phải ân hận. Khó khăn sẽ càng lớn hơn nếu những điều này xảy ra ở cấp độ tiềm thức. Làm sao có thể chấp nhận tính cách này, khi mà những kích thích thái quá từ nó khiến chúng ta kiệt sức, mệt mỏi và tức giận với chính mình, còn thế giới này thì chằng hiểu gì về chúng ta cả? Hãy đăng ký để cập nhật thêm tin tức.

Nguồn ảnh bìa: Chan Y., từ unsplash.com