5 tháng trước
Cuộc Chiến Lớn Nhất Của Người Nhạy Cảm (Phần 2/3)
655

9815
Lượt xem
81
Lượt chia sẻ
6
Lượt bình luận

Một series gồm 3 phần về cách thức để phát triển khi bạn là người nhạy cảm. Đây là Phần số 2.

Hãy thử tưởng tượng bạn và người bạn gái của mình cùng đến phòng tập gym trong một tuần.

Cô bạn của bạn chọn cách tập đi bộ nhẹ trên máy chạy bộ 2 lần một tuần, mỗi lần 30 phút. Còn bạn thì chạy bộ 90 phút trong 5 ngày.

Cơ thể ai đã làm việc nhiều hơn? Cơ thể ai cần nghỉ ngơi nhiều hơn để chuẩn bị cho buổi tập vào tuần tới?

Bạn hay cô bạn của mình?

Tình huống tương tự cũng xảy ra giữa người nhạy cảm cao (HSP) và người ít nhạy cảm (non-HSP).

Trong Phần 1, chúng ta đã hiểu rằng những người HSP được ban cho khả năng bẩm sinh để chú ý được nhiều điều hơn. Cụ thể là nhiều cái gì? Họ chú ý đến nhiều chi tiết hơn. Chi tiết của cái gì? Tôi phải nói là ... của tất cả mọi thứ.

Nếu bạn là một HSP, điều này không cần phải giải thích gì nhiều. Bạn sẽ hiểu được ngay.

Bạn nhận thấy những chi tiết diễn ra xung quanh bạn mà 80% mọi người bỏ qua

Tim có vẻ trầm ngâm. Anh ta không giống như vậy ngày hôm qua. Dường như anh ấy gặp khó khăn trong việc nói năng thành lời. Có cái gì đó nặng chịch trong giọng nói của anh ấy. Anh ta tỏ ra mất tập trung và chìm đắm trong suy nghĩ. Trong khi đó, cô vợ Rita dường như  không chú ý đến anh. Cô nói chuyện với những người khác trong nhóm, nhưng không thèm nhìn vào Tim. Mọi sự có vẻ không ổn. Có lẽ đã có chuyện gì đó xảy ra giữa họ.

Bạn nói với cô bạn Sandy: “Cậu có nhận thấy Tim và Rita hôm nay có vẻ rất khác thường không?”.

Sandy nhún vai. “Không. Ta đi lấy thêm ít bánh nhé?”

Đây là một ví dụ điển hình. Sandy không nhận thấy những chi tiết kể trên. Còn bạn thì có.

Đối với những HSP, việc nhận thấy các tiểu tiết không chỉ dừng lại ở con người, mà có thể là bất cứ điều gì trong môi trường sống. Căn phòng bốc mùi thật lạ, ngửi giống như mùi hương của người bạn thời thơ ấu của mình. Bài hát này có vài giai điệu nghe rất giống bài hát trên đài phát thanh ngày hôm qua.

Chẳng lẽ bạn tự tưởng tượng ra những điều này? Vì sao bạn nhận ra những thứ mà 80-85% mọi người xung quanh không nhìn thấy? Có phải là một triệu chứng rối loạn cảnh giác chăng? Nhận thức của bạn là do chủ tâm? Là do bạn tự sáng chế ra? Hay một cái gì đó bạn ý thức kiểm soát?

Khả năng nhận thức cao hơn mọi người là một phần đặc điểm của bạn mà người khác không có. Đó là vấn đề về sinh học. Những khác biệt về não bộ khiến cho người HSP chú ý nhiều hơn đến các tác nhân kích thích.

“Phần lớn mọi người khi bước vào một căn phòng có lẽ chỉ chú ý đến nội thất và con người trong đó — chỉ vậy thôi. Người HSP có thể ngay lập tức nhận thấy, dù muốn hay không, các đặc điểm như tâm trạng,  sự thân thiện và ác cảm, sự trong lành hay không của bầu không khí, cũng như tính cách thể hiện ra của người đã bày trí các bông hoa trong phòng.”Tiến sĩ Elaine Aron

Điều gì rồi sẽ xảy đến với năng lực nhận thức mạnh mẽ này?

Xử lý thông tin theo chiều sâu

Cùng với khả năng nhận thức cao hơn, bộ não của HSP cũng xử lý thông tin bổ sung sâu sắc hơn. Não bộ của họ tự tổ chức dữ liệu thu thập được và phân tích để tìm ra ý nghĩa của nó.

Bạn có để ý cách bạn nhìn thấy những tiểu tiết nơi Tim, và sau đó bộ não của bạn tự động tiến hành xử lý và sắp xếp những thông tin này không?

Não bộ của người HSP không dừng lại ở thông tin “Tim có vẻ trầm ngâm”  mà phân tích sâu hơn nữa. “Anh ta không giống như vậy ngày hôm qua”…

Nói cách khác, bộ não HSP không chỉ có nhận thức cao hơn mà còn sở hữu khả năng xử lý tốt các quá trình nhận thức đang diễn ra bên trong họ.

Tất cả điều này có nghĩa là hệ thần kinh của HSP phải làm việc nặng hơn để xử lý những thông tin được họ dung nạp.

Đây là lúc sự so sánh về khác biệt giữa kế hoạch tập gym hàng tuần của bạn và người bạn gái trở nên chính xác.

Bạn đã tập luyện trong phòng gym chăm chỉ hơn, nên cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Hệ thần kinh của người HSP hoạt động mạnh hơn so với người bình thường (vì khả năng nhận thức thêm các chi tiết nhỏ). Do đó, hệ thần kinh của họ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Đơn giản vậy thôi.

Người HSP nhìn thấy Tim, so sánh Tim với anh ta ngày hôm qua, nhìn thấy Rita, so sánh Rita với cô ta ngày hôm qua, sau đó nhìn thấy Rita với Tim, Rita với những người khác. Chao ôi!

Sandy bỏ qua toàn bộ điều này. Tất cả những gì cô ta nhìn thấy là cái đĩa chưa có bánh của mình.

Như vậy, lẽ đương nhiên, hệ thần kinh của người HSP bị tác động kích thích nhiều hơn so với của Sandy.

Cảm giác bị kích thích là như thế nào?

Đó là một quá trình thể lý, một phản ứng của cơ thể.

Đầu tiên, điều quan trọng cần nhớ là tình trạng kích thích xảy ra đối với tất cả mọi người và nhiều loài sinh vật khác. Sandy chảy nước miếng khi nghe nói đến bánh. Một con chó vẫy đuôi khi bạn tỏ ra yêu quý khi nói chuyện với nó. Một em bé mỉm cười khi bạn trao đổi với em bằng tình yêu thương.

Tất cả những ví dụ trên đây minh họa cho điều gì? Đó là trạng thái kích thích, là phản ứng của cơ thể với các tác nhân kích thích của môi trường.

Khi sự kích động nằm trong khoảng thoải mái cá nhân, nó sẽ thúc đẩy ta tiến tới. Sandy quyết định đi bộ đến bàn ăn tráng miệng. Con chó tiến lại gần để bạn âu yếm nó. Một sinh viên đại học quyết định theo học chuyên ngành kiến trúc sau khi bị mê hoặc bởi chuyến du lịch đến Taj Mahal. Một cặp vợ chồng đồng ý nhận một đứa con nuôi sau chuyến viếng thăm định mệnh đến nhà trẻ mồ côi.

Nếu không có sự kích thích thì ta đã không có động lực để bắt đầu hành động. Nếu hình ảnh của cái bánh không tác động đến Sandy, cô ấy đã chẳng có lý do gì để muốn lấy đầy bánh vào dĩa của mình.

Nhưng khi sự kích thích diễn ra bên ngoài khoảng thoải mái, mọi thứ có thể trở nên thật kinh khủng.

Cơ thể bạn cảm thấy như bị điện giật. Không thể kiểm soát được. Cảm giác như thể bạn sắp sửa rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần. Hệ thần kinh của bạn bị quá tải, và bạn không thể nào suy nghĩ chín chắn. Tim bắt đầu đập nhanh hơn, não hoạt động quá mức, suy nghĩ trở nên lộn xộn, và bạn bỗng cảm thấy "quá sức chịu đựng”.

Người HSP có thể đạt đến trạng thái này nhanh chóng và thường xuyên hơn 80-85% dân số còn lại của thế giới.

Vì sao điều đó lại xảy ra?

Câu trả lời của tôi là: “Tại sao lại không chứ?”

Bạn nhạy bén với từng chi tiết. Đặc điểm này khiến bạn tiếp nhận thông tin về rất nhiều chi tiết nhỏ. Nếu không phải là phản ứng của hệ thần kinh thì bạn cho rằng điều gì đang xảy ra chứ?

Những gì bạn nhìn thấy: Tim. Rita. Tim ngày hôm qua. Rita ngày hôm qua. Tim và Rita. Rita và Tim.

Những gì Sandy nhìn thấy: Bánh.

Nghe có vẻ như một vấn đề phải không?

Nếu cảm giác về những kích thích quá độ giống như một cuộc tản bộ qua vườn hoa hồng, thì những người HSP có lẽ đã không thấy phiền lòng như vậy.

Thế nhưng, việc hệ thần kinh bị kích động quá mức có thể khiến ta cảm thấy mọi sự bỗng trở nên rối loạn như địa ngục. Đặc biệt bởi vì phần lớn thời gian, bạn không hề mong muốn như vậy. Sự việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn. Khả năng nhận ra các tiểu tiết của bạn diễn ra cách vô ý thức. Quá trình xử lý thông tin trong não bộ được thực hiện hoàn toàn tự động. Hệ thần kinh của bạn bị kích động quá mức từ việc phải xử lý tất cả những thông tin này, và bạn không thể nào ngăn chặn được.

Vậy điều gì sẽ xảy đến khi ta phải đối mặt với những điều ta không hiểu và không thể kiểm soát được?

Sợ hãi.

Bước đầu tiên để một HSP có thể phát triển là hiểu được thế nào là tình trạng kích thích quá độ và ngưng đánh đồng nó với nỗi sợ hãi

Trừ khi biết rõ về bản thân, khả năng là bạn sẽ không hiểu được cách mà nhận thức và trạng thái kích động quá độ tác động đến đặc điểm cá nhân và trải nghiệm cuộc sống của bạn.

Tất cả những gì bạn biết ở cấp độ ý thức là việc bản thân đang cảm thấy "quá sức chịu đựng", thể hiện qua các triệu chứng cơ thể: Tim đập nhanh, hơi thở ngắn, tay đổ mồ hôi, suy nghĩ mơ hồ, cảm giác choáng ngợp, v.v...

Thật không may, vì tình trạng kích thích quá độ có thể có biểu hiện thể lý giống như khi ta lo lắng và sợ hãi, điều này nhanh chóng dẫn đến xu hướng nhầm lẫn giữa hai khái niệm kể trên.

“Điều quan trọng là không nhầm lẫn tình trạng kích động với nỗi sợ. Sợ hãi làm ta bị kích thích, nhưng nhiều cảm xúc khác, bao gồm cả niềm vui, sự tò mò hoặc tức giận cũng có khả năng đó. Mặt khác, ta cũng có thể bị kích động bởi những suy nghĩ thiếu ý thức hoặc những phấn khích cường độ thấp mà không tạo ra cảm xúc rõ ràng nào. Thông thường, chúng ta không nhận thức được nguyên nhân của trạng thái kích động này, chẳng hạn như do một tình huống mới lạ, tiếng ồn hoặc những thứ mà mắt ta đang quan sát.” — Tiến sĩ Elaine Aron.

Khi bạn xem việc cơ thể bị kích thích quá độ là biểu hiện của nỗi sợ: “Nhất định là tôi đang sợ hãi nếu tim tôi bỗng dưng đập nhanh hơn”, vậy bạn nghĩ điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?

Việc tiếp theo là bạn sẽ đi tìm nguyên nhân, sau đó là đặt ra giả thuyết. Với trí tưởng tượng phong phú của một HSP, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy một lý do giải thích cho nỗi sợ của mình. "Hẳn là tôi cảm thấy sợ phải gặp gỡ tiếp xúc với người lạ".

“Khi thấy bản thân bị kích thích, chúng ta muốn gọi tên và biết ngọn nguồn của trạng thái này để nhận thức mối nguy hiểm đang rình rập. Và thường thì ta sẽ nghĩ rằng sự kích động này bắt nguồn từ nỗi sợ hãi. Chúng ta không nhận ra rằng tim ta đập mạnh chẳng qua là do nỗ lực xử lý thông tin của cơ thể.” — Tiến sĩ Elaine Aron.

Nếu ta đánh đồng trạng thái kích thích quá độ với nỗi sợ hãi, chẳng chóng thì chầy nó sẽ biến thành nỗi sợ thực sự.

Thế nhưng, không giống như nỗi sợ đối với một thứ gì đó ở bên ngoài, bạn bắt đầu sợ hãi những điều đang diễn ra bên trong chính bạn.

Ở mức độ nhất định, bạn có thể trốn tránh các tác nhân kích thích như máy bay, đám đông lớn hoặc bất cứ điều gì làm bạn sợ ở bên ngoài. Nhưng làm thế nào để chạy thoát khỏi chính bản thân mình? Bạn không thể. Không có (hay cần phải có) cách để thay đổi cá tính bẩm sinh của bạn.

“Tại sao trái tim tôi lại đập nhanh như vậy?”. Đây là một tình huống đáng sợ, nếu tất cả những gì bạn biết là tình trạng này xảy ra ở những thời khắc như khi bạn xem một bộ phim kinh dị. Khi một con chó sủa lớn từ phía sau bạn. Hoặc khi thầy hiệu trưởng quát mắng bạn.

Bạn đã đi đến chỗ đánh đồng tình trạng tim đập nhanh với sự sợ hãi.

“Nếu tim tôi đập nhanh như vậy, ắt hẳn là tôi ngại gặp gỡ những người lạ này.”

Nhưng khi biết rõ bản thân, bạn sẽ hiểu rằng trái tim của bạn không chỉ đập mạnh khi đối mặt với nguy hiểm, mà cả khi bạn đột nhiên cảm thấy quá nhiều kích thích giác quan mới lạ.

“Được rồi, như vậy, chính sự "mới lạ" của những thứ tôi vô tình chú ý đến đã khiến tim tôi đập mạnh. Người phụ nữ đó có vẻ lạnh lùng và xa cách: Tôi không thích tâm trạng của bà ấy. Người đàn ông này có vẻ lo lắng: Tôi ước gì có thể giúp anh ta thư giãn. Tôi không thoải mái với việc tốn quá nhiều thời gian cho sự kiện này: Phải chi tôi biết trước điều này. Tôi có thể cảm nhận từng nhịp đập của trái tim mình.”

Có một sự khác biệt lớn giữa hai tình huống này

Ở tình huống thứ nhất, bạn đối mặt với những dấu hiệu mà bản thân không thể nào hiểu được. Ở tình huống thứ hai, việc biết rõ bản thân mình giúp bạn điều tiết được những dấu hiệu biểu lộ ra ngoài.

Ở tình huống đầu tiên, việc Không kiểm soát được triệu chứng cơ thể (tim đập nhanh) khiến bạn cảm thấy lo lắng. Nhưng ở tình huống thứ hai, bạn hiểu được chính mình và vẫn tiếp tục đi tới mà không rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Quả là khác biệt một trời một vực.

Một khi các HSP không còn nhầm lẫn tình trạng kích động với nỗi sợ hãi, đó là họ đã đạt được một bước tiến đáng kể trong việc giải phóng bản thân. Cuộc chiến để vượt qua nỗi sợ hãi là một nỗ lực đáng trân trọng, nhưng cố gắng đấu tranh để vùi lấp bản tính cá nhân thì thật là đau lòng. Bản tính HSP không đáng bị kìm hãm, nhưng cần đến sự cảm thông. Bạn được đòi hỏi phải lập kế hoạch tối ưu hóa cuộc sống bằng cách tận dụng những điểm mạnh của bản thân, chứ không phải tìm cách phủ nhận nó.

Phần 3 của series HSP này sẽ bàn về điều này. Chúng ta sẽ tiến hành từng bước cụ thể để chấm dứt cuộc chiến chống lại xúc cảm cá nhân và học cách phát triển từ con người thật của chính mình.