4 tháng trước
5 Huyền Thoại Về Sự Tự Tin
315

7699
Lượt xem
83
Lượt chia sẻ
14
Lượt bình luận

Một thời gian trước, tôi thực hiện một khảo sát ngắn trong đó tôi hỏi những người thuộc mọi thế hệ, thuộc cả hai giới và mọi tầng lớp xã hội, rằng họ nghĩ đâu là vấn đề lớn nhất mà đa số con người gặp phải hằng ngày. Không ngạc nhiên khi câu trả lời là “sự tự tin”.

Nhiều người trong chúng ta nhận thức được rằng, điều thực sự ngăn cản ta hành động và biến ước mơ thành hiện thực chính là sự thiếu tự tin. Cho dù ta nhận ra điều này, rất ít người trong chúng ta sẵn sàng bỏ ra chút thời gian và hành động để cải thiện nó.

Ta không nhận ra rằng việc cải thiện sự tự tin, được tạo nên từ những lối suy nghĩ mà ta đã phát triển qua năm tháng, có thể là một cánh cổng thực sự dẫn ta đến với người bạn đời tuyệt vời kia, mở ra doanh nghiệp trị giá triệu đô kia, lấy được tấm bằng kia, được nhận vào công việc trong mơ kia, có được cơ thể hoàn hảo kia, chống lại những người hăm doạ ta, không cho phép người khác đối xử tệ với ta, và trên hết, giúp ta ngừng huỷ hoại cuộc sống của chính mình.

Theo từ điển Merriam-Webster, sự tự tin được định nghĩa như là, “tin vào bản thân, vào sức mạnh và khả năng của mình”. Nhưng sự tự tin thực chất đến từ đâu? Tại sao một số người tự tin hơn những người khác?

Sự tự tin là một niềm tin  một cảm xúc.

Tôi sẽ chỉ đơn giản mô tả nó như là thước đo những lối suy nghĩ về bản thân mà đã hình thành theo thời gian. Những lối nghĩ này tạo ra cảm xúc, cảm xúc tạo ra hành động (hoặc sự thiếu hành động), đến lượt nó tạo ra một kết quả cụ thể.

Đa số mọi người liên hệ sự tự tin với một niềm tin và một cảm xúc tích cực. Trong xã hội, ta ngưỡng mộ những người tự tin. Có điều gì đó hấp dẫn về những người tự tin mà thu hút ta mạnh mẽ.

Ta thường cho là những người tự tin thì hạnh phúc hơn, và điều đó khiến ta cũng muốn tách một phần hạnh phúc đó cho mình. Ta coi họ như những người luôn luôn tắm mình trong sự ái kỷ và sự tự trọng cao – điều này khiến ta tôn trọng họ hơn, và thậm chí là coi họ như hình mẫu.

Ta coi họ như những người không sợ rủi ro, và quan trọng hơn, như những người hành động lớn trong cuộc sống để sống đúng như cách mà họ muốn – một cuộc sống khiến người khác mơ ước.

Phần lớn chúng ta muốn cải thiện sự tự tin, nhưng quá nhiều người đã cố gắng làm điều đó sai cách. Liệu có khi nào ta được dạy và được bảo những điều sai lầm về sự tự tin?

Dù ta bị xã hội chi phối để tăng sự tự tin dựa trên những ý tưởng không hiệu quả, hay ta tự hình thành những suy nghĩ đó dựa trên những trải nghiệm của chính mình, thì tôi ở đây để bóc trần những huyền thoại về sự tự tin cho bạn.

Sau đây là năm huyền thoại về sự tự tin và những bước đơn giản để tránh chúng ngay lập tức, để bạn tăng sự tự tin và thành công trong cuộc sống.

1. “Tôi phải trở nên tự tin trước rồi mới hành động”

Một trong những sai lầm lớn nhất tôi biết mà các huấn luyện viên (coach) về lòng tự tin thường mắc phải khi họ còn trẻ, hoặc trước khi họ làm nghề huấn luyện, là đợi cảm giác tự tin đến trước khi họ làm điều gì đó.

Sai lầm. Lớn nhất. Từng có.

Tuy nhiên, tôi có thể liên hệ với niềm tin này vì tôi cũng từng luôn như thế.

Khi còn trẻ, tôi biết mình thích dạy học, trình diễn, và nói trước đám đông. Dù tôi luyện tập thuyết trình một mình và giả vờ làm “giáo viên” với những học sinh tưởng tượng của mình, tôi không cảm thấy đủ tự tin để bước ra thế giới thật và cất lên giọng nói của mình và thực sự nói trước đám đông. Tôi không ngừng trì hoãn việc này vì ý nghĩ về việc thực hiện ý tưởng của mình khiến tôi sợ hãi.

Chỉ đến khi tôi buộc mình diễn thuyết trước đám đông với tư cách là thành viên của những tổ chức sinh viên ở trường trung học, thì tôi mới có thể bắt đầu xoá dần nỗi sợ của mình.

Mấy lần đầu tiên, tinh thần tôi căng thẳng tột độ. Lần nào cũng vậy, ngay trước khi tôi bước lên nói, có hàng trăm ý nghĩ chạy qua tâm trí tôi, như là “Nếu mọi người thấy mình kỳ quặc thì sao?”… “Nếu không ai muốn nghe điều mình nói thì sao?”, và tệ nhất là, “Nếu mình tự làm mình bẽ mặt và trở thành thằng hề thì sao?”

Những lúc đó, tôi thấy tiếc là đã đặt bản thân vào vị trí đó ngay từ đầu. Khi bước lên để nói, tôi thậm chí không thể nhìn vào khán giả. Trong toàn bộ thời gian nói, tôi cúi xuống và nhìn chằm chằm vào tờ giấy mà tôi đọc từ đó. Tôi thấy tai mình nóng rực lên và tim đập thình thịch. Điều này tiếp tục diễn ra nhiều lần nữa.

Tuy nhiên, sau mỗi lần nói xong, tôi cảm thấy sự thanh thản tràn ngập trong mình, và tôi sẽ thở dài nhẹ nhõm vì việc đó đã kết thúc và nó không tệ như tôi đã dự đoán.

Sau mỗi lần nói xong, tôi nhận ra mọi nỗi sợ và “nếu như” mà tôi đã vun đắp trong đầu chưa bao giờ thực sự xảy ra. Mọi người thật ra vẫn đối xử với tôi như vậy, hoặc thậm chí tốt hơn trong một số trường hợp, vì họ thích những gì tôi nói. Tôi đã không mong đợi điều đó!

Sau khi lặp đi lặp lại hành động thuyết trình, tôi đã có thể nhanh chóng phát triển sự tự tin trong lĩnh vực này, nhanh hơn nhiều so với tôi nghĩ.

Không lâu sau, tôi tìm kiếm và đạt được những vai trò lãnh đạo ở trường đại học, trường cao học, và những tổ chức liên quan đến công việc, bao gồm việc trở thành chủ tịch lớp ở trường Y.

Bài học cho câu chuyện là: Bằng cách đối diện với nỗi sợ và hành động trước hết, tôi đã có thể xây dựng lòng tự tin vững chắc trong lĩnh vực này như là kết quả của việc hành động.​​​​​​​

Giờ đây, tôi yêu thích việc nói trước những đám đông hàng trăm người. Tôi được mời tổ chức các sự kiện xã hội và thậm chí là được trả tiền để làm diễn giả cho các hội thảo.

Ngày nay mọi người hỏi tôi, có phải bạn đã luôn tự tin khi thuyết trình như thế này? Tôi trả lời họ “không đời nào”, và nếu họ quan tâm, tôi kể cho họ một chút về câu chuyện của mình.

Đây không chỉ là câu chuyện và hành trình của tôi; đây là về bạn, bạn của tôi. Tôi muốn bạn biết rằng tôi đã không thể trở nên tự tin trong lĩnh vực thuyết trình nếu như tôi đã đợi đến lúc trở nên tự tin trước. Nó không hoạt động như thế.

Đã bao nhiêu lần bạn ngồi trong một buổi họp và muốn phát biểu, nhưng kìm lại vì bạn muốn đợi đến ngày bạn cảm thấy tự tin hơn để cất tiếng nói? Một lần nữa, vấn đề của tư duy này là trừ khi bạn thực sự tự lên tiếng khi bạn không sẵn sàng, bạn sẽ không bao giờ đạt được sự tự tin mà bạn đang tìm kiếm. Sự tự tin sẽ phát triển sau khi bạn giơ tay và phát biểu. Khi bạn làm đi làm lại việc này, sự tự tin sẽ tăng nhanh chóng.

Hãy nhớ, từ giờ trở đi, để tránh huyền thoại này, hãy cứ hành động ngay cả khi bạn không sẵn sàng. Hãy làm điều khiến bạn không thoải mái. Hãy buộc bản thân làm điều gì đó nếu bạn biết hành động ấy sẽ tốt cho bạn về lâu dài. Lặp lại hành động đó.

Sự tự tin sẽ đến như là kết quả của việc lặp đi lặp lại hành động này. Bạn sẽ thấy sớm thôi, rằng hành động bạn từng e sợ sẽ trở thành bản năng thứ hai của bạn, và bạn sẽ tự hỏi vì sao bạn từng kìm nén nó lại.

Bài tập huấn luyện 1: Sự tự tin đến với bạn sau khi hành động. Hôm nay, tôi muốn bạn thực hiện điều gì đó bạn trì hoãn hoặc kìm nén từ lâu. Đừng nghĩ gì cả, hãy cứ làm thôi. Nó rất có thể sẽ thay đổi cuộc đời bạn.

2. Khi tôi "trông như thế này" hay "có cái này" thì tôi sẽ làm việc đó

Bao nhiều người trong chúng ta từng nói, “Khi trông tôi như thế này, tôi sẽ theo đuổi cô ấy”. Hay “Khi tôi có X tiền, tôi sẽ đi tập gym.” Hay “Khi tôi có công việc này, tôi sẽ theo đuổi sở thích ấy?”

Không có gì sai với việc lên kế hoạch và đề ra mục tiêu. Tuy nhiên, thường thì khi ta tự nói với mình như vậy, đó là do ta đang trì hoãn làm điều gì đó ta muốn hoặc quan trọng với ta vì ta không đủ tự tin.

Ngày nay, do mạng xã hội và áp lực phải trông “hoàn hảo”, một lối nghĩ phổ biến có ở nhiều người là muốn bản thân có một ngoại hình nhất định trước khi tìm một người bạn đời. Tệ hơn là niềm tin rằng bạn phải có một ngoại hình nhất định trước khi bạn có thể cảm thấy mình xứng đáng với ai đó bạn thích.

Sự thật là ta dùng những lời nguỵ biện này để trì hoãn hành động thật sự. Ta có thể không nhận ra rằng mình thiếu tự tin trong lĩnh vực này. Ta đổ lỗi sự thiếu khả năng hành động cho một yếu kém ngoại hình nào đó. Ta từ chối thừa nhận rằng vấn đề thật sự của ta trong lĩnh vực này rốt cuộc là thiếu tự tin.

Vấn đề của ví dụ trên không phải là việc bạn muốn cải thiện ngoại hình, mà là những niềm tin tiêu cực về ngoại hình của bạn và cách bạn cho rằng bạn phải gắn liền những niềm tin đó với việc theo đuổi ai đó bạn thích.

Như bạn có lẽ đã nhận ra, những niềm tin tiêu cực về ngoại hình này xuất phát từ thiếu lòng tự trọng. Nếu bạn là người có suy nghĩ giống thế, bạn có thể làm gì?

Bước đầu tiên là thừa nhận rằng những lời nói trong đầu và hình ảnh bạn có về chính mình có thể không phải sự thật, và hẳn có lẽ không phải là cái người khác nhìn thấy ở bạn. Lời độc thoại chỉ là bạn tự nói với mình.

Bước thứ hai là nhận ra rằng lời độc thoại tiêu cực của bạn xuất phát từ mức độ tự tin thấp. Nếu không phải vậy, thì tại sao có những người nặng cân hơn bạn, già hơn bạn, và nói một cách hời hợt thì có ngoại hình không hấp dẫn bằng bạn, lại tìm được những người bạn đời tuyệt vời? Điều gì khiến họ khác bạn?

Khả năng cao là do lòng tự tin và tự trọng của họ. Những gì họ nghĩ về bản thân có ảnh hưởng lớn đến cách người khác nhìn nhận họ.

Khi một người cảm thấy thoải mái với chính mình, họ không cho phép ngoại hình hay bất kỳ cái cớ nào khác ngăn cản họ đạt được điều họ muốn – người bạn đời mà họ khao khát. Thái độ tự tin, dám nghĩ dám làm đối với cuộc sống được mọi người cho là hấp dẫn, và mỉa mai thay, chính thái độ tự tin chứ không phải ngoại hình, mới là thứ thu hút sự chú ý và lôi cuốn đối phương nhiều nhất.

Tuy vậy, huyền thoại về sự tự tin này chỉ không liên quan đến ngoại hình.

Nhiều người trong chúng ta lấy cớ là muốn đợi đến khi “có cái này” hay “đạt được cái kia” trước khi theo đuổi mục tiêu và giấc mơ của họ. Cứ cho là đôi khi có những trở ngại về hoàn cảnh liên quan đến tiền bạc và nguồn lực khi bạn muốn theo đuổi một mục tiêu, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể bắt đầu theo đuổi mục tiêu ngay từ ngày hôm nay. Bạn chỉ cần học cách sử dụng những con đường khác để đi tới đích cho đến khi bạn có thể đảm bảo những gì bạn cần đáp ứng trọn vẹn với những mục tiêu của bạn.

Chờ đợi đến “thời cơ hoàn hảo” để làm điều gì đó là điều tệ nhất bạn có thể làm. Nhiều người trong chúng ta tin rằng bằng cách đó, ta đang làm điều đúng đắn, vì ta đang đợi đến khi chạm tới điều kiện hoàn hảo để hành động. Nhưng sẽ không bao giờ có một “trạng thái hoàn hảo” để đa số chúng ta theo đuổi bất kỳ điều gì. Ngay cả khi bạn không cảm thấy tự tin, hãy cứ lao vào và theo đuổi điều bạn muốn.

Hãy nhớ rằng, sự tự tin là kết quả của việc theo đuổi cái bạn muốn.

Bài tập huấn luyện 2: Đừng bao giờ lấy cớ rằng “khi cái này xảy ra” hay “khi cái kia xảy ra” thì bạn sẽ theo đuổi mục tiêu X. Thừa nhận rằng những suy nghĩ đó xuất phát từ việc thiếu tự tin trong những lĩnh vực ấy và quyết định theo đuổi cái bạn muốn, ngay bây giờ. Bạn có thể không bao giờ cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng, và có lẽ sẽ không bao giờ có một “thời điểm” hoàn hảo, nhưng nếu bạn muốn phát triển sự tự tin vững như đá thì bạn phải bắt đầu theo đuổi cái bạn muốn trước khi bạn sẵn sàng.

3. “Lòng tự trọng của tôi gắn liền với vẻ ngoài của tôi và số tiền tôi kiếm được”

Có lẽ cuộc đấu tranh lớn nhất với sự tự tin mà mọi người có trong đời là việc gắn liền với lòng tự trọng của họ với 1. vẻ ngoài của họ, và 2. số tiền họ kiếm được.

Xã hội khiến chúng ta trao một tầm quan trọng to lớn và không lành mạnh cho hai khía cạnh này, và do đó, ta đang nhìn vào một xã hội ngày càng có ít người tự tin hơn, và ngày càng có tỉ lệ ly dị, trầm cảm và tự tử cao hơn.

Có những lý do khiến người ta đánh giá cao ngoại hình và tiền bạc đến vậy trong xã hội. Không phải lúc nào điều đó cũng xấu, nên hãy cùng mổ xẻ nó một chút.

Ta thích nhìn người có ngoại hình ưa nhìn. Không phải vì tính thẩm mỹ và sự vui thú mà mắt ta nhận được, mà vì những điều ta gán cho một người ưa nhìn. Ta thường tin rằng một người thật sự ưa nhìn thì cũng hẳn là rất nổi tiếng, được yêu mến, được đối xử tốt đẹp hơn, và thậm chí họ có thể đạt được một số lối tắt trong cuộc sống nhờ ngoại hình của họ.

Mọi người cũng tôn trọng những người có tiền, không chỉ vì họ kinh ngạc trước sự giàu có của những người đó hay số dư tài khoản của họ lớn thế nào, mà vì những điều họ gán cho một người có nhiều tiền. Ta thường tin rằng một người giàu có thì cũng hết sức độc lập, tự túc, có tiếng tăm tốt, có địa vị xã hội cao, sự danh giá, và khả năng làm người khác hạnh phúc bằng cách đóng góp cho điều đó nhờ của cải của họ.

Ta gán tất cả những lợi thế xã hội này với ai đó có vẻ ngoài ưa nhìn và/hoặc có rất nhiều tiền. Điều đó khiến ta muốn ở cạnh người đó hoặc trở nên giống họ hơn để ta có thể tận hưởng cùng những lợi ích chủ quan ấy.

Có nhiều tiền và bề ngoài tốt thì tuyệt đấy, và có để dẫn tới rất nhiều niềm vui và điều tốt đẹp trong cuộc sống. Không có gì sai với việc lao động chăm chỉ để trở nên thật giàu có hay để có một thân nhìn đẹp nhất. Đây là những điều cải tiến cuộc sống của bạn, và bạn có thể tận hưởng và trân trọng chúng.

Tuy nhiên, tôi đến đây ngày hôm nay để nói với bạn rằng, hai điều đó không phải là tất cả, và rằng lòng tự trọng của bạn không hề liên quan đến vẻ ngoài cũng như số tiền của bạn.

Tôi nhắc lại, lòng tự trọng của bạn không hề liên quan đến vẻ ngoài cũng như số tiền của bạn.

Lòng tự trọng của bạn đến từ những gì mà bạn tin là tạo nên con người bạn. Những niềm tin này nên xuất phát từ tính cách, phẩm chất, điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, lòng quyết tâm, nghị lực, sự hài hước, sự thấu cảm, sự cống hiến, sự sáng tạo của bạn – danh sách có thể tiếp tục nữa.

Lòng tự trọng của bạn nên được đo bằng những gì bạn tin là tạo nên con người bạn.

Nếu bạn có nhiều tiền và có một cơ thể hoàn hảo và đẹp dẽ đi kèm, thì đó sẽ là những lợi thế bổ sung. Ai mà không thích chứ? Nhưng lòng tự trọng của bạn nảy sinh từ những niềm tin bạn có về bản thân. Một khi bạn có thể nhìn vào tài khoản ngân hàng của mình, ngắm mình trong gương và nhận ra rằng cả hai thứ đó đều không định nghĩa con người bạn và lòng tự trọng của bạn, bạn đã giải phóng bản thân.

Quá nhiều người trong chúng ta chấp nhận tin rằng lòng tự trọng của ta liên quan trực tiếp tới hai yếu tố trên, và đa phần thời gian những niềm tin này đến từ bạn bè và gia đình ta; không phải do ác ý, nhưng có lẽ là do sự thiếu hiểu biết, ưu tiên những điều sai lầm, hoặc có thể là do một cái vòng luẩn quẩn của những huyền thoại về sự tự tin được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nhắm tới mục tiêu cao nhất và làm việc chăm chỉ để có tự do tài chính và vẻ ngoài ưa nhìn nhất nếu bạn muốn. Nếu được theo đuổi một cách lành mạnh, hai lĩnh vực này có thể bổ trợ cho cuộc sống của bạn theo những cách phi thường và đem đến rất nhiều lợi ích.

Song, một điều tôi học được là, nếu bạn nhìn chung là một người hạnh phúc trước khi sở hữu hai điều trên, bạn sẽ còn trở nên hạnh phúc hơn sau khi bạn đạt được chúng. Nếu trước đây bạn vốn đã khổ sở, thì khả năng cao là bạn sẽ còn khổ sở hơn sau khi có được chúng. Tiền và ngoại hình chỉ đưa bạn đến đây thôi. Chúng không phải và không bao giờ định nghĩa bạn là ai. Hãy nhớ điều đó.

Tôi muốn bạn ngay hôm nay hãy ra ngoài và bắt đầu sống, lên tiếng, hành động, làm điều bạn muốn khi nào bạn muốn bất kể bạn có bao nhiêu tiền hoặc bạn nghĩ mình trông thế nào. Tiếp tục cố gắng để đạt được mục tiêu của bạn trong cả hai lĩnh vực, nhưng hãy ý thức rằng lòng tự trọng của bạn chỉ phụ thuộc vào điều bạn nghĩ về mình, không phải vào điều người khác nghĩ về bạn.

Bài tập huấn luyện 3: Hôm nay, hãy làm điều gì đó mà bạn đã ngăn cản mình làm do số tiền bạn có hoặc do điều bạn nghĩ về vẻ ngoài của mình. Hãy nhớ rằng lòng tự trọng của bạn chỉ đến từ điều bạn tin về bản thân. Hãy làm điều gì đó táo bạo mà phản ánh điều này. Nào, hãy khiến tôi tự hào!

4. “Xây dựng sự tự tin là một quá trình lâu dài, có Chúa mới biết được tôi sẽ mất bao nhiêu năm”

Một huyền thoại lớn khác là phát triển sự tự tin mất hàng năm trời, hoặc thậm chí cả đời để đạt được. Điều đó không hề đúng.

Trên thực tế, việc bạn thường xuyên thực hiện một số hành động đến đâu mới chỉ thị cho việc bạn phát triển sự tự tin nhanh đến đâu.

Ví dụ, nếu bạn muốn trở nên tự tin hơn khi nói chuyện với người lạ trong những cuộc họp mặt, thì bạn phải hành động và luyện tập điều này thường xuyên, đặc biệt là khi bạn không muốn. Nếu bạn làm việc đó 10 lần liên tiếp trong vòng 2 tuần, thay vì 10 lần trong vòng 1 năm, thì bạn sẽ dễ trở nên tự tin hơn trong lĩnh vực này sau 2 tuần trong kịch bản đầu tiên, và sau cả 1 năm trong kịch bản thứ hai.

Bạn thấy đấy, ai đó sẽ nói rằng thời gian bạn cần để trở nên tự tin trong một lĩnh vực nhất định là “phụ thuộc thời gian”, nhưng tôi đã nghĩ ra một thuật ngữ khác để mô tả nó tốt hơn: phụ thuộc tần số. Số lần bạn thực hiện thứ gì đó bạn sợ hoặc không cảm thấy tự tin vào sẽ quyết định việc bạn nhanh chóng phát triển sự tự tin trong lĩnh vực đó đến đâu. Do đó, sự tự tin phụ thuộc tần số chứ không nhất thiết là phụ thuộc thời gian.

Tôi đã không mất hàng năm trời để phát triển mức độ tự tin cao trong kỹ năng thuyết trình. Trên thực tế, nó chỉ mất vài tháng để tăng vọt theo cấp số nhân, nghĩa là mức độ tự tin của tôi trong mảng này đã tăng từ 45% đến 95% (nếu tôi phải đưa ra số liệu theo phần trăm). Vào năm thứ hai đại học, tôi giữ một vị trí quản lý trong một tổ chức mà đòi hỏi tôi phải đứng nói trước một nhóm người 2 tuần 1 lần để đưa ra các thông báo. Sau 6-7 lần làm việc này, nó trở nên đơn giản đến mức tôi chẳng còn căng thẳng, và sự tự tin của tôi trong việc này bay vút lên cao.

Tuy nhiên, nếu 6-7 lần đó đã được phân bố trong cả một năm, thì có lẽ tôi đã mất lâu hơn vài tháng nhiều để trở nên thật tự tin trong lĩnh vực này.

Bài tập huấn luyện 4: Vạch ra kế hoạch ngay hôm nay về một hành động mà bạn sẽ thực hiện và viết ra 1. bạn sẽ làm gì, và 2. bạn sẽ làm nó bao nhiêu lần. Bất kể bạn dự định làm gì, tôi tích cực khuyên bạn làm ít nhất một tháng một lần. Số tuần, tháng hay năm mà bạn cần để phát triển sự tự tin trong lĩnh vực này phụ thuộc vào bạn, tình trạng tự tin hiện tại của bạn, và hành động bạn chọn thực hiện, nhưng nếu bạn quyết tâm hành động ít nhất một tháng một lần, bạn sẽ đạt được nó sớm hơn.

Nếu bạn thực hiện việc đó hằng ngày hay hằng tuần, thì bạn có thể mong đợi thành quả đến nhanh hơn nhiều! Trước khi bạn kịp nhận ra, thì sẽ đến lúc cho một Bữa tiệc Tự tin!

5. “Có những người sinh ra đã tự tin. Tôi biết mình sẽ không bao giờ có được sự tự tin ấy cho dù tôi luyện tập nhiều đến đâu”

Bao nhiêu người trong số bạn đã từng gặp ai đó cực kỳ tự tin bước vào một căn phòng lần đầu tiên và hoàn toàn làm chủ nó? Sự tự tin toả ra từ người họ, bạn biết rằng họ đòi hỏi sự tôn trọng và có được nó!

Khi bạn nhìn thấy người này, có lẽ bạn tự nhủ, “Người này chắc sinh ra đã tự tin. Sự tự tin ở trong DNA của họ. Tôi không bao giờ có thể tự tin như thế cho dù tôi rèn luyện vất vả thế nào. Họ thật may mắn.”

Đoán xem? Ngược lại với những gì một số người tin, không ai sinh ra là đã tự tin.

Khi một người lớn lên, chính cách họ chọn phản ứng với mọi thứ, hay lựa chọn hành động của họ mới là điều quyết định mức độ tự tin của họ. Cũng như mọi yếu tố chúng ta đã bàn ở trên, sự tự tin đến từ việc lặp lại một hành động và rèn luyện một số kỹ năng nhiều lần.

Bạn có thể có một số người thân, bạn bè, đồng nghiệp có vẻ hết sức tự tin, nhưng tôi cá là họ không phải đã luôn như vậy. Hoặc là họ buộc phải hảnh động trong một số lĩnh vực, hoặc là họ chọn hành động và xây dựng sự tự tin ấy qua năm tháng.

Có được người hướng dẫn và sự ủng hộ đúng đắn khi còn nhỏ chắc chắn giúp tăng tốc quá trình xây dựng sự tự tin, nhưng nếu bạn không thực sự có được điều đó khi lớn lên, không có nghĩa là bạn mãi mãi chịu thiệt.

Tin mừng là sự tự tin là thứ bạn có thể phát triển ở bất cứ tuổi nào và trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống. Nếu bạn chưa đạt được điều đó, bạn có thể quyết định ngay hôm nay rằng bạn muốn trở thành phiên bản tự tin nhất của chính mình.

Bạn có thể quyết định ngay hôm nay rằng bạn sẽ trở thành con người tự tin kia, người bước vào một căn phòng lần đầu tiên và hoàn toàn làm chủ nó.

Bạn có thể quyết định ngay hôm nay rằng bạn sẽ trở thành người tự tin nhất trong gia đình và nhóm bạn của mình.

Bạn có thể trở thành con người ấy qua một thay đổi nhỏ trong tư tưởng khi bạn nhận ra 1. thay đổi là có thể, và 2. thay đổi xảy ra bằng cách hành động lớn.

Bài tập huấn luyện 5: Nghĩ đến một người mà bạn tin là cực kỳ tự tin. Mỗi khi bạn giao tiếp với ai đó hay đi chơi, bắt chước người này và tỏ ra tự tin như anh ấy hay cô ấy. Cũng giống như chiến thuật “giả vờ đến khi bạn làm được”. Đừng phức tạp hoá quá, hãy chỉ nghĩ và cư xử theo cách mà người này sẽ làm trong bất kỳ tình huống nào – ngay cả khi bạn chỉ có một mình.

Bạn càng làm nhiều, bạn sẽ càng phát triển sự tự tin bẩm sinh của riêng mình. Sớm thôi, bạn sẽ không cần bắt chước ai nữa, và sẽ biến đổi để trở thành phiên bản tự tin nhất của bạn.

Kết luận

Nhiều năm trước, tôi gầy vô cùng, nhưng tôi có những vấn đề nghiêm trọng về hình ảnh cơ thể, và có những ngày tôi sẵn sàng nhịn ăn vì tôi nghĩ điều đó sẽ khiến tôi trông gầy hơn trong một vài bộ đồ, và do đó, người khác sẽ dễ dàng chấp nhận tôi hơn. Tôi gần như không thể nói trước một nhóm 3 người vì tôi tin rằng không ai muốn nghe điều tôi định nói. Tôi quyết định làm “người tốt” thay vì bày tỏ ý kiến cá nhân vì sợ bất đồng với người khác.

Tôi cho phép bản thân phản ứng với người khác theo cách tiêu cực và không lành mạnh. Tôi sợ bước vào phòng tập gym vì những gì người khác có thể nghĩ về tôi. Tôi quá rụt rè để nghĩ đế chuyện tiếp cận ai đó để tìm một người bạn đời.

Ngày hôm nay, tôi không thể tin mình từng là người như thế. Tôi vẫn yêu con người đó và không tiếc nuối gì, vì tôi đã có rất nhiều khoảng thời gian tuyệt vời trong giai đoạn thiếu tự tin ấy, đầy ắp tình yêu thương của bạn bè, gia đình và niềm hạnh phúc. Nhưng ngày hôm nay, tôi không hề giống chàng trai ấy.

Thuyết trình trước công chúng là một trong những điều tôi yêu thích nhất. Tôi thích tranh luận và bày tỏ ý kiến về những chủ đề gây tranh cãi và trí tuệ, và tôi không quan tâm đến việc bất đồng với người khác vì tôi làm điều đó với sự tôn trọng.

Về lý thuyết thì tôi “thừa cân” theo chỉ số BMI của tôi lúc này, nhưng tôi chưa bao giờ yêu ngoại mình của mình như ngày nay – tôi trân trọng những múi cơ mà tôi đã tăng thêm trong những năm qua, khi nhìn vào gương tôi yêu thích hình ảnh mà tôi thấy. Tôi biết còn nhiều việc phải làm, và tôi muốn cải thiện hơn nữa, nhưng tôi hạnh phúc với ngoại hình hiện tại của mình.

Tôi thấy ổn về việc không làm “người tốt” và bất đồng với người khác, vì là chính mình quan trọng hơn rất nhiều – tôi để ý thấy người khác cũng tôn trọng tôi hơn.

Tôi không có thái độ ngay lập tức với những người tiêu cực nữa – tôi vững tâm hơn và có đủ lòng tự trọng để hành động khôn ngoan.

Tôi thích đến phòng gym hằng ngày, gặp những chàng trai khác với đủ mọi vóc dáng (cả cao lớn và thấp bé hơn tôi), và kết nối với họ vì chúng tôi ở đó vì cùng một lý do – để phát triển sức khoẻ và thể hình của mình.

Qua năm tháng, tôi đã có sự tự tin để thể hiện “con người thật” của mình với một cô gái và theo đuổi cô ấy đến khi cô ấy trở thành vợ mình. Cô ấy thực sự là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, cả về nội tâm và ngoại hình – người phụ nữ củng cố niềm tin của tôi vào tình yêu, bạn tâm giao, và một cái kết “hạnh phúc mãi mãi về sau”.

Nhờ ơn Chúa, tôi đã có thể làm tất cả những điều này vì tôi chọn đầu tư vào việc luyện tập, đọc sách, rèn luyện, và làm việc chăm chỉ trong một lĩnh vực: sự tự tin của mình. Tôi biết rằng với sự dẫn dắt và chiến lược đúng đắn, bạn có thể đạt được những thành tựu tương tự, thậm chí tốt hơn.

Tôi chúc bạn một hành trình tới sự tự tin đầy thành công.

Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ đơn độc trên con đường này. Tôi luôn ở đây nếu bạn cần tôi.

Giờ hãy bước ra ngoài và để lại dấu ấn độc nhất của mình trong vũ trụ. Yêu bạn rất nhiều.